Đậm đà bản sắc nghi lễ Cầu an dân tộc Cao Lan xã Hòa Cuông

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/1/2015 | 3:07:26 PM

YBĐT - Người Cao Lan xã Hoà Cuông (huyện Trấn Yên) có những phong tục, tập quán riêng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa dân gian, thông qua việc tổ chức các lễ hội.

Nghi lễ Cầu an là một trong những nghi lễ quan trọng của dân tộc Cao Lan, nằm trong lễ hội hàng năm. Đó là hình thức sinh hoạt tâm linh, gửi gắm những ước mong để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, mọi nhà ấm no hạnh phúc… Nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa tín ngưỡng và giàu giá trị nhân văn.

Nghi lễ này thường được tổ chức vào tháng 6 Âm lịch hàng năm tại đình làng, nơi thờ tự Thành hoàng làng, cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chung của người dân trong làng. Nghi lễ gồm hai phần: phần lễ và phần hội.

Phần lễ là phần cúng với nghi thức lễ trang trọng, thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với Thành hoàng làng, cầu cho dân làng được ấm no, bình yên, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Thầy mo chịu trách nhiệm thực hiện lễ cúng. Lễ vật cúng gồm: xôi, thủ lợn, gà, hương, đèn nến, hoa quả, rượu, gạo, trầu cau, bánh kẹo, khom lúa và các biểu tượng được cắt bằng giấy màu xanh và đỏ tượng trưng cho các đuôi lúa còn xanh và khi lúa đã chín đỏ cùng một vài vật dụng khác.

Tất cả đều được dân làng chuẩn bị từ hôm trước, riêng lợn và gà được mổ từ sớm hôm sau để được tươi ngon. Mâm lễ được chuẩn bị tươm tất gồm thủ lợn đã luộc chín, hai con gà luộc buộc cánh tiên, xôi ngũ sắc gói bằng lá chuối, rượu, trầu cau, bánh kẹo… 3 cum lúa được cắt ở dưới ruộng từ hôm trước, các lá vàng giấy được gấp thành hình chiếc thuyền, tượng trưng cho chứa đựng mùa màng bội thu.

Khi giờ tốt đã đến, thầy cúng bắt đầu ngồi vào làm lễ. Trang phục của thầy cúng cũng giống như trang phục của người đàn ông Cao Lan trong bản với bộ quần áo màu nâu truyền thống, đầu đội mũ màu đen. Dân làng tập trung phía sau, các cụ cao niên trong thôn được xếp ngồi gần thầy cúng. Mọi người im lặng chăm chú nghe thầy làm lễ. Thầy cúng khấn và tung hai mảnh gỗ màu nâu tượng trưng cho hai giới âm và dương, nếu một mảnh sấp, một mảnh ngửa hoặc hai mảnh đều ngửa là tổ tiên đã chứng giám và đồng ý với cầu nguyện của dân bản, nếu hai mảnh sấp có nghĩa là tổ tiên chưa chứng giám.

Nội dung bài lễ cúng nêu thời gian, địa điểm, tên người làm lễ cúng thay mặt dân làng có lễ vật, phẩm vật… với lòng thành kính, kính mời 4 vị thần: núi, sông, Thành hoàng làng và tổ tiên, tổ tông 3 đời về uống rượu xơi trầu, ăn xôi, ăn thịt, phù hộ cho dân làng, cầu cho dân làng được ấm no, bình yên, hạnh phúc, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy mo mời 3 cụ cao niên trong thôn lên rót rượu kính 3 vái thần núi, thần sông, Thành hoàng làng và tổ tiên. Sau khi đã làm xong phần lễ, thầy cúng xin âm dương và làm thủ tục hóa vàng. Tất cả vật phẩm bằng giấy như tiền vàng, biểu tượng con vật và bông lúa được thầy cúng hóa trong một chiếc chậu và khấn gửi thần núi, thần sông, Thành hoàng làng và tổ tiên chứng giám.

Phần hội trong nghi lễ Cầu an của dân tộc Cao Lan thu hút đông đảo người dân tham gia với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: đu quay, kéo co, đẩy gậy… đặc biệt là phần hát đối đáp, gọi là hát Xình ca. Xình ca Cao Lan có nội dung rất phong phú, nhiều thể loại và cho mọi đối tượng có thể tham gia hát. Các điệu múa trong ngày này cũng được các nghệ nhân, nam, nữ thanh niên mang ra trình diễn như: múa chim gâu, múa xúc tép, múa phát đường, múa chày, múa cơm mới… Các động tác múa mô phỏng động tác lao động, sản xuất trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào, mong muốn một cuộc sống bình yên, no đủ… Phần hội có thể kéo dài một hoặc hai ngày là do quy mô tổ chức của địa phương.

Nghi lễ Cầu an của dân tộc Cao Lan là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm yếu tố phản ánh về cội nguồn, diện mạo văn hóa tinh thần của người Cao Lan, là môi trường lưu giữ một cách sống động các giá trị văn hóa dân tộc cần được lưu giữ, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, một nghi lễ Cầu an theo đúng phong tục tập quán của người Cao Lan không còn nhiều nơi tổ chức nên việc gìn giữ là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cơ quan chức năng và quan trọng hơn là ý thức gìn giữ của mỗi người trong cộng đồng dân tộc Cao Lan, để những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đó không bị mai một theo thời gian.

Hải Hà (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái)