Nà Chao “khát” điện

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2015 | 2:44:55 PM

YBĐT - Cách trung tâm xã Mường Lai (Lục Yên) chưa đầy 7km, thế nhưng 17 năm qua hơn 300 người dân ở thôn Nà Chao phải sống trong cảnh tối tăm vì không có điện. Cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của họ vì thế cũng luẩn quẩn trong vòng khó khăn, nghèo đói. Điều đáng nói, đa phần hộ dân nơi đây trước kia đã đồng lòng rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để người ta ngăn dòng, đắp đập thủy lợi Từ Hiếu phục vụ cho sản xuất của Mường Lai và các xã lân cận.

Không có điện, việc học hành của trẻ em ở Nà Chao gặp nhiều khó khăn.
Không có điện, việc học hành của trẻ em ở Nà Chao gặp nhiều khó khăn.

Đến Nà Chao trong một ngày mưa gió cuối đông, dù chỉ cách trung tâm xã gần 7km nhưng phải mất gần tiếng đồng hồ vật lộn với con đường đất trơn trượt, nhầy nhụa chúng tôi mới đến được nhà Trưởng thôn Nông Văn Đông. Thấy bộ dạng lấm lem của khách đến, Trưởng thôn Đông đồng cảm: “Mưa thế này đường khó đi lắm. Lo nhất là bọn trẻ ngày nào cũng phải lội bùn ra tận thôn Từ Hiếu để học”.

Theo anh Đông, Nà Chao có nhiều cái khó lắm. Bà con nơi đây lúc nào cũng chỉ ước mơ đến một ngày được xem ti vi, được ngồi hóng gió trước cây quạt điện, trẻ con học bài không phải cắm cúi trong ánh đèn dầu. Chẳng phải vậy mà khi thấy chúng tôi đến, ai cũng tưởng cán bộ ngành điện, rồi khấp khởi dò la: “Bao giờ có điện thế chú?”.

Là ước mơ vì từ năm 2002 thôn giáp ranh với Nà Chao là Từ Hiếu cũng đã có điện. Còn Nà Chao vẫn mòn mỏi đợi chờ. Theo chân Trưởng thôn đi thăm một vài gia đình ở Nà Chao mới thấy cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều vất vả, thiếu thốn, nhất là những thiếu thốn về điện, đường, trường, trạm. Trong ngôi nhà sàn 3 gian, anh Êm nhớ về Nà Chao của gần 20 năm về trước, khi anh cùng nhiều hộ dân đã phải rời vùng đất màu mỡ của cha ông với ruộng vườn, cây ăn trái để Nhà nước xây dựng công trình đập thủy lợi Từ Hiếu.

Đến với vùng đất mới ở thôn Nà Chao, gia đình anh lại tiếp tục khai hoang ruộng đất, làm nhà, gieo lúa trồng rừng... Đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định  nhưng với anh cũng như mọi người trong nhà thì việc có điện lưới sử dụng vẫn là điều khao khát, trăn trở trong suốt 17 năm qua. Anh Êm tâm sự: “Không có điện, mọi sinh hoạt, sản xuất đều khó khăn, đặc biệt vào buổi tối, mọi người chỉ có thể làm bạn với cây đèn dầu. Cũng may, thấy vất vả, các con đi làm ăn đã mua cho gia đình cái bình ắc quy để sử dụng trong mỗi bữa ăn tối”.

Cũng giống như gia đình anh Êm, bà Hoàng Thị Chừng chuyển đến Nà Chao sinh sống được hơn chục năm nay. Đã sống quá nửa đời người, đối với bà Chừng, không có điện cũng đã trở thành quen nhưng điều khiến bà lo nghĩ nhất đó là việc học hành vào buổi tối và tương lai của con cháu bà sau này, chẳng lẽ cứ sống trong cảnh tối tăm như thế này mãi? “Thôn chúng tôi còn nhiều khó khăn lắm, đặc biệt là thiếu điện. Gia đình muốn xem ti vi, nghe đài để biết thêm kiến thức về pháp luật, đường lối của Đảng, phát triển kinh tế cũng khó” - bà Chừng trăn trở.

Quyết tâm có ánh sáng từ điện lưới quốc gia, nhiều gia đình đã làm đơn đề nghị để kéo điện từ thôn Từ Hiếu về dùng. Theo đó, giữa năm 2013, một số gia đình đã góp tiền, ngày công để kéo điện về thắp sáng. Sau 3 ngày giằng dây, 18 gia đình mỗi hộ góp một công, đường dây điện dài 1.500m đã được kéo về từng nhà. Tuy nhiên, do đường dây dài, tải trọng yếu nên điện cũng chỉ sử dụng vào ban ngày, còn tối thì chịu.

Chỉ tay về hướng ti vi, loa đài đang được kê trang trọng ở gian nhà, Trưởng thôn Đông cho biết: “Mấy cái này mình mua về cũng chỉ để trưng bầy là chủ yếu thôi, chứ chả mấy khi được sử dụng đến”. Không có điện, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn lại càng trở nên vất vả, nhất là mỗi khi có công có việc lớn như ma chay, cưới hỏi... Những lúc này, bà con lại phải thuê máy phát điện về dùng, tính thêm chi phí tiền xăng dầu cũng tiêu tốn ngót ngét gần triệu đồng. Không những thế, muốn phát triển sản xuất kinh tế như chăn nuôi, chế biến nông, lâm sản người dân cũng không thể thực hiện. Việc tiếp nhận các thông tin, chủ trương, đường lối, pháp luật mới của Đảng và Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng  cũng vì thế mà hạn chế.

Các phương tiện nghe nhìn sử dụng điện anh Đông mua về chủ yếu là để trưng bày.

Thôn Nà Chao là thôn “135” hiện có 70 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, trong đó có đến gần 50% số hộ ở đây chuyển từ vùng lòng hồ Từ Hiếu thuộc chương trình di dời dân để xây dựng công trình thủy lợi liên hồ Từ Hiếu - Loong Đeng - Tặng An từ những năm 1997 - 1998. Sau 17 năm định cư ở đây, người dân đã từng bước ổn định cuộc sống, đoàn kết, chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, Nà Chao đã khai hoang được gần 14ha ruộng và trồng gần 40ha rừng sản xuất cũng như phát triển chăn nuôi để phục vụ đời sống. Tuy nhiên, do giao thông không thuận lợi, sản xuất chưa kịp thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ nên Nà Chao vẫn còn tới 32 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo trong số 70 hội dân toàn thôn.

 Trưởng thôn Đông trăn trở: “Thôn không có điện, các cháu học sinh mỗi lần học bài đều rất vất vả, học dưới đèn dầu ánh sáng không đủ nên rất ảnh hưởng đến thị giác; sinh hoạt hàng ngày của bà con cũng gặp nhiều khó khăn nên thôn rất mong được Đảng, Nhà nước quan tâm, hạ trạm biến áp tại thôn, kéo điện để bà con trong thôn đỡ vất vả”. Trao đổi với chúng tôi, ông Mã Đình Tranh - Phó chủ tịch UBND xã Mường Lai cho biết thêm: “Mường Lai là xã đông dân, nhiều thôn. Đến nay đã có 21/22 thôn của xã có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, riêng thôn Nà Chao chưa có điện. Kéo điện về Nà Chao cũng là mong muốn của chính quyền địa phương. Xã đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị lên cấp trên qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay thôn vẫn chưa được kéo điện. Vì vậy, rất mong các cấp, các ngành quan tâm để các hộ dân ở đây được sử dụng điện, có được mặt bằng chung với các thôn khác trong xã”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Thế Hấu – Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công thương) cho biết: Tháng 11/2014, Sở Công thương đã tổ chức đoàn đi khảo sát, thiết kế để xây dựng đường dây và trạm biến áp tại thôn Nà Chao, xã Mường lai. Theo đó, tại đây sẽ xây dựng 1 trạm biến áp và 3,06 km đường dây trung áp; 4,17 km đường dây hạ áp. Sau khi hoàn thành sẽ cung cấp điện cho khoảng 90 hộ dân. Bên cạnh đó, mỗi hộ dân sẽ được lắp đặt miễn phí 1 công tơ, 1 bảng điện và 1 bóng điện. Tất cả kinh phí xây dựng sẽ được trích từ “Chương trình cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia. Dự kiến, cuối năm 2015 công trình sẽ được triển khai xây dựng.

Chia tay Nà Chao khi trong các nếp nhà sàn bếp đã đỏ lửa, những ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ những cánh cửa sổ một cách chập chờn. Mừng cho Nà Chao, chúng tôi cũng thầm mong  ước mơ có điện của bà con nơi đây sớm trở thành hiện thực để cuộc sống vùng cao sẽ đổi thay.

Hùng Cường