Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2015 | 2:46:11 PM

YBĐT - Ngay từ đầu năm 2014, Hội đồng phối hợp (HĐPH) công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh được kiện toàn với 31 thành viên; đội ngũ báo cáo viên pháp luật gồm 44 đồng chí công tác tại các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Tuyên truyền pháp luật cho người dân ở chợ Nghĩa Tâm (Văn Chấn).
Tuyên truyền pháp luật cho người dân ở chợ Nghĩa Tâm (Văn Chấn).

Các ngành thành viên HĐPH đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL thông qua các hội nghị, cuộc họp, tuyên truyền miệng cho hàng nghìn lượt người tham gia học tập. Theo đó, HĐPH của 9 huyện, thành phố, thị xã cũng được kiện toàn và duy trì hoạt động hiệu quả.

Công tác PBGDPL được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: trợ giúp pháp lý lưu động, cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hoá... Đặc biệt, việc triển khai Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, hình thành ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân.

Với chức năng là cơ quan thường trực của HĐPH, Sở Tư pháp đã triển khai sâu rộng công tác PBGDPL thông qua nhiều kênh tuyên truyền như: duy trì việc phát hành định kỳ 4 số bản tin Tư pháp với số lượng 4.000 cuốn; 18.000 tờ rơi pháp luật với các nội dung tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013, luật giao thông, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống ma tuý, pháp luật về biển, pháp luật về tiếp công dân; in ấn 200 cuốn tài liệu tuyên truyền Hiến pháp năm 2013; phát hành bổ sung 1.280 đầu sách pháp luật cho tủ sách pháp luật của một số sở, ngành, đoàn thể.

Năm qua, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì tốt chuyên mục "Đời sống và pháp luật", "Pháp luật với cuộc sống". Nội dung tuyên truyền luôn đổi mới, hấp dẫn bạn đọc và bạn xem truyền hình, thông qua các câu chuyện pháp luật, cuộc trao đổi văn bản pháp luật mới ban hành giúp người dân hiểu biết hơn về chính sách pháp luật, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Cùng với đó, hoạt động của các báo cáo viên pháp luật, tổ hoà giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý và cấp phát tờ rơi cho các đối tượng thuộc diện chính sách, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa cũng là kênh tuyên truyền khá hiệu quả. Năm 2014, Sở Tư pháp đã tổ chức 5 đợt tuyên truyền pháp luật cho 250 đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Y Can (Trấn Yên), Khánh Hòa (Lục Yên), Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ), Nghĩa Tâm, thị trấn Nông trường Liên Sơn (Văn Chấn).

Thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền pháp luật cho hơn 500 học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái với các nội dung về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, hôn nhân và gia đình; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Thanh niên, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Luật gia tỉnh tổ chức các đợt tuyên truyền điểm; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền pháp luật về đất đai tại huyện Văn Yên...

Các hoạt động PBGDPL được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở đã tác động mạnh đến nhận thức pháp luật của các tầng lớp cán bộ và nhân dân trong tỉnh, từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng lên, góp phần ổn định trật tự xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Để tiếp tục thực hiện Đề án Tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, thời gian tới, công tác này cần có sự đổi mới và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hướng về cơ sở; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên, cán bộ tư pháp, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Quỳnh Nga