Để thành phố xanh, sạch, đẹp

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2015 | 2:51:34 PM

YBĐT - 15 giờ chiều, tôi phóng xe máy lượn vòng mấy tuyến đường quen thuộc trên địa bàn thành phố Yên Bái để muốn tìm hiểu về kỷ cương, văn minh đô thị như các tiêu chí của thành phố đề ra. Vừa đi vừa quan sát, cảm nhận và trò chuyện, mà thấy lòng trải qua bao cung bậc cảm xúc: vui, buồn, bức xúc, trăn trở. Tôi nhận ra một điều rằng, để có một thành phố kỷ cương, văn minh, xanh, sạch, đẹp thật chẳng hề đơn giản nhưng cũng không phải quá khó, không thể là hiện thực.

Khu vườn hoa Hồng Hà được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp. (Ảnh: Ngọc Đồng)
Khu vườn hoa Hồng Hà được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp. (Ảnh: Ngọc Đồng)

ấn tượng đầu tiên mà tôi cảm nhận chính là một con phố thoáng đãng, sạch sẽ từ ngã ba vườn hoa Hồng Hà ngược trở vào Ga Yên Bái. Hỏi ra mới biết, hai tổ dân phố dọc tuyến đường ấy đều là mô hình "Tổ dân phố không rác" của phường Hồng Hà.

Chị Nguyễn Thị Hương - Tổ trưởng tổ 14 vừa khéo léo trong công việc cắt may quen thuộc của mình vừa chuyện: "Năm nay đã là năm thứ 3 tổ 14 được xây dựng là "Tổ dân phố không rác". Ban đầu cũng khó khăn lắm em ạ! Khi triển khai, tất cả các hộ trong tổ đều ký cam kết thực hiện. Để cả tổ sạch thì nhà nào cũng phải sạch, phải đổ rác đúng giờ quy định là 17 giờ và 22 giờ. Nhiều khi đường đang sạch đấy nhưng người bán hàng rong đi qua có khi lại rác thì mình phải nhắc nhở hoặc các hộ mua hàng phải gom rác gọn gàng, không bỏ ở đường. Hàng tuần, hàng tháng, một vài thành viên của tổ phối hợp với tổ phụ nữ huy động vệ sinh chung, nhất là hót sạch cát hai bên đường. Rác thì sạch rồi nhưng cát quẩn lại hai bên đường nếu không hót đi sẽ rất bụi. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mọi người, mọi nhà em ạ! Sạch từ nhà ra đường chứ chỉ biết sạch nhà mình còn vứt rác ra đường thì không ổn. Bây giờ thì đã thành nếp quen rồi, cả tuyến phố luôn luôn sạch sẽ, mình cũng thấy vui!".

Cả con phố sạch sẽ, không gian thoáng đãng bởi các hộ ở đây đều đã chấp hành nghiêm việc tháo dỡ mái che, biển báo không đúng quy định. Vậy là chủ trương chung của thành phố đã được các hộ dân ở đây ủng hộ và thực hiện hiệu quả, góp phần cho một thành phố xanh, sạch, đẹp.

Tôi cho xe chạy ngược trở vào phía Ga Yên Bái. Lúc này đã gần 16 giờ chiều, khu vực ngã ba cửa hàng vàng bạc Thành Thu đã lác đác những người bán chợ chiều. Đằng sau đuôi xe đạp quay ra mặt đường là rau, là táo, là cọ rồi cả những tủ kính bán đồ ăn chín án ngữ giữa ngã ba. Đường cứ tự biến thành chợ bởi cũng là kế sinh nhai của nhiều người.

Dọc con đường Hoàng Hoa Thám ấy, toàn bộ hành lang là chợ hoa quả, điểm kinh doanh cố định từ bao lâu nay. Những sạp hàng tầng tầng lớp lớp các loại quả được xếp đặt khéo léo, đẹp mắt. Vượt qua hàng hoa quả, đoạn đường từ Bến xe Yên Bái cũ ngược vào là cả một khung cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh. Một đống hạt, vỏ quả cọ lẫn trong đám nước đen bẩn đổ giữa ngã ba đầu đường vào chợ bến đò (chợ phường Yên Ninh). Đó là những gì còn lại sau khi chợ cọ ỏm đã tan.

Dọc hai bên đường là những túi rác, đống rác từ các gia đình ở mặt phố bỏ ra: to có, nhỏ có, khô có, ướt có. Có lẽ là sắp đến giờ gom rác. Tôi tự lý giải và bất chợt có ý nghĩ thoáng qua: có tổ dân phố không rác thì nơi này sẽ được đặt tên là "Tổ dân phố nhiều rác" chăng"? Có lẽ sẽ chẳng hộ nào, tổ nào muốn mang tên ấy. Nhưng như vậy thì phải bắt đầu từ đâu nếu không phải là từ chính ý thức của người dân và sự quyết liệt của chính quyền, ngành chức năng.

Đoạn phố thuộc tổ 14, phường Hồng Hà luôn sạch sẽ và thoáng đãng.

Tôi tiếp tục chạy xe ngược trở vào trung tâm tỉnh. Dù đã cuối ngày nhưng con đường Điện Biên vẫn khá sạch sẽ. Ngã tư chợ Km4 lâu nay vẫn nóng với tình trạng lấn chiếm hành lang, bán hàng rong giờ cũng đã khá nề nếp, trật tự.

Chị Oanh - tiểu thương buôn bán giày dép có tiếng cho biết: "Chúng tôi đề nghị nên đặt thùng rác ở những điểm công cộng, trung tâm để mọi người đổ vào thì sẽ gọn gàng, sạch đẹp. Như góc phố này là có thể đặt một thùng rác lắm chứ". Một thùng rác công cộng đúng là rất hợp lý bởi nếu cứ chờ đến giờ mới được đổ rác thì cũng bất cập thật! Đã đến giờ tan sở, chợ Km4 bắt đầu nhộn nhịp. Mọi ngày, phía bên ngoài chợ, dọc hành lang tập trung rất đông người bán hàng rong nhưng hôm nay chỉ thấy lác đác vài hàng.

Chị bán tôm vừa cắt râu tôm cho khách vừa nhớn nhác ngó quanh. Khách giục: "Mọi ngày cắt nhanh lắm mà, sao hôm nay chậm thế?". Chị hàng tôm nhỏ nhẹ: "Chị thông cảm, em vừa làm vừa ngó, sợ đội trật tự đến không kịp chạy! Bây giờ làm gắt lắm, nhiều người nghỉ chứ có mấy ai dám đi nữa đâu. Nhưng nghỉ thì lấy gì mà ăn, đành phải liều thôi".

Thực tế, các điểm bán hàng rong vẫn là bài toán khó với các phường, nhất là với những người làm công tác bảo vệ trật tự đô thị. Về lý là phải dẹp nhưng về tình thì bán hàng rong cũng là công ăn việc làm của nhiều người vì miếng cơm manh áo. Nhiều khi chứng kiến cảnh đội trật tự giằng co, hất đổ tất cả những mẹt rau tươi, quả ngon rồi thì thu cả xe, cả cân chất lên thùng xe chuyên ngành cũng thấy ái ngại. Nhưng nếu như họ không làm nghiêm, không quyết liệt thì không hoàn thành nhiệm vụ rồi ảnh hưởng đến mục tiêu, tiêu chí thi đua của toàn phường và cảnh quan đô thị chung.

Tình trạng họp chợ nơi lòng lề đường không chỉ ở khu vực chợ Ga Yên Bái, Km4 mà còn ở khu vực ngã ba Sứ, Km6, khu vực cổng phụ Trường THPT Nguyễn Huệ… Chẳng những họ bán hàng ở hành lang, lề đường mà thậm chí còn tiến cả ra lòng đường. Bên cạnh đó, vấn đề không kém phức tạp là các điểm rửa xe mà hầu hết đều chiếm dụng lề đường. Vỉa hè công cộng trở thành mảnh đất vàng, mang lại thu nhập cho bao gia đình. Rồi cả những con phố bụi ngày nắng, lấm bùn ngày mưa mà nguyên do là các xe chở đất rơi rắc trên đường khiến mọi cư dân đều lắc đầu ngao ngán…

Tình trạng họp chợ dưới lòng đường ở khu vực cổng phụ Trường THPT Nguyễn Huệ.

Vậy là qua một vài tuyến phố đã phần nào hình dung về bộ mặt đô thị. Năm nay đã là năm thứ tư thành phố triển khai xây dựng thành phố văn minh, kỷ cương, xanh - sạch - đẹp. Từ năm 2012, xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng song hành với phát triển kinh tế, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã ra Nghị quyết số 05 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Yên Bái, giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020".

Cũng kể từ năm 2012, mỗi năm, thành phố đều có một chủ đề xuyên suốt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện, quyết tâm xây dựng một thành phố phát triển, thân thiện bắt đầu từ nếp sống kỷ cương, văn minh. Trong đó, năm 2014 với chủ đề "Năm kỷ cương văn minh đô thị và thu hút nguồn lực đầu tư", năm 2015 là: "Tiếp tục thực hiện năm kỷ cương văn minh đô thị, thu hút các nguồn lực đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông đô thị".

Việc triển khai khá quyết liệt, mạnh mẽ với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng với những giải pháp cụ thể song hiệu quả thực sự chưa rõ nét. Trong số hàng trăm "Tổ dân phố không rác", "Tổ nhân dân tự quản", "Tổ môi trường xanh" trên địa bàn toàn thành phố đã có những mô hình, những tổ nhân dân thực hiện đạt hiệu quả nhưng vẫn còn những nơi, những tổ chưa quyết liệt, chưa nghiêm túc thực hiện. Lực lượng chức năng và các phường, xã đã triển khai hàng chục đợt ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, hành lang và tháo dỡ hàng trăm mái che, mái vẩy, băng rôn, biển quảng cáo… nhưng rồi chỉ được thời điểm ấy và sau thời gian ngắn là nhiều hộ gia đình, cửa hàng, cửa hiệu lại tái phạm.

Tại kỳ họp cuối năm 2014 của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố, kết quả về một năm thực hiện chủ đề đã được đại biểu chất vấn bởi không thể hài lòng khi nhiều hành lang vỉa hè bị lấn chiếm, vẫn rác, vẫn bụi… Đồng chí Trần Công Thành - Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh: "Để thành phố kỷ cương, văn minh là việc khó nhưng không phải là không làm được. Năm 2014 chưa làm được thì năm 2015 chúng ta phải làm bằng được. Không thể chỗ nào cũng phố rửa xe, không thể chỗ nào cũng dừng đỗ. Thành phố cứ nhếch nhác, bụi bặm, lộn xộn thì ai muốn đến, ai muốn đầu tư?".

Quả thật, ai cũng hiểu rằng, muốn thành phố phát triển toàn diện, bền vững, thân thiện thì phải bắt đầu từ kỷ cương, văn minh và để lại ấn tượng tốt đẹp, sự thiện cảm với bạn bè gần xa cũng như để chính bản thân mỗi công dân thành phố phải yêu quý, tự hào. Tất cả sẽ là hiện thực nếu mỗi cá nhân tích cực và mỗi tổ dân phố xanh, sạch đẹp được nhân lên theo cấp số nhân. Và chắc rằng sẽ không thể có một đáp án nào khác ngoài ý thức, trách nhiệm của chính bản thân mỗi người.

Hoàng Bách