Loài giáp xác lạ có mắt chứa... 32 võng mạc

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/1/2015 | 2:04:14 PM

Giới nghiên cứu đưa ra giả thuyết loài này tích hợp các hình ảnh từ nhiều võng mạc để gia tăng độ sáng và mức tương phản

Loài giáp xác lạ (ảnh: Osborn)
Loài giáp xác lạ (ảnh: Osborn)

Các nhà nghiên cứu cho hay mắt của một loài giáp xác nhỏ sống ở vùng nước sâu của đại dương có tới 2 hàng võng mạc - mỗi hàng này gồm tới 16 võng mạc màu đỏ giúp loài này nhìn tốt hơn trong bóng tối. 
 
Theo website Smithsonian Science, tạp chí Sinh học Đương đại đã xuất bản một nghiên cứu chi tiết về con mắt của loại giáp xác biển Paraphronima gracilis.

Tác giả chính của bài báo này, Jamie Baldwin Fergus thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia của Smithsonian, nói: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy võng mạc lại chia tách ra như thế này ở con mắt của bất cứ loài chân đốt nào, chứ chưa nói tới côn trùng hay loài giáp xác hoặc bất cứ động vật nào có con mắt ghép.”.

Nghiên cứu trên đưa ra giả thuyết mỗi võng mạc thu giữ một hình ảnh được gửi vào não của con giáp xác. Não của nó sẽ tích hợp tất cả các hình ảnh để gia tăng độ sáng và mức tương phản.

Osborn, đồng tác giả của nghiên cứu này, nói: “Bằng việc nhóm các tín hiệu ánh sáng từ các góc diện khác nhau, chúng có thể nhìn thấy cả trong điều kiện ánh sáng cực mờ. Điều thực sự độc đáo về mắt của loài này là chúng có thể tập hợp ánh sáng theo kiểu mà về cơ bản không làm mất đi nhiều độ phân giải – tức là khả năng phân biệt các chi tiết”.

P. gracilis sống ở độ sâu 150-500m ngoài khơi California (Mỹ) trong một môi trường tối tăm đối với mắt người.

Khi di chuyển, mắt loài này hướng lên trên, tìm kiếm con mồi trong suốt bơi phía trên.

Các nhà khoa học cho biết cần thí nghiệm thêm để giải mã bí mật về cấu trúc và chức năng của các con mắt độc đáo của loài này.

(Theo VOV)