Lục Yên tăng cường thực hiện Nghị quyết 47

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/1/2015 | 5:04:25 PM

YBĐT - Lục Yên có trên 110 nghìn người, 18 dân tộc chung sống tại 23 xã, 1 thị trấn. Xác định nguồn lực con người là hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, công tác giảm sinh còn chậm, chưa bền vững; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cũng giảm chậm; tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên có chiều hướng gia tăng.

Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Minh Xuân (Lục Yên) xuống thôn, bản tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm sinh con thứ ba trở lên.
Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Minh Xuân (Lục Yên) xuống thôn, bản tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm sinh con thứ ba trở lên.

Thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”, Chỉ thị số 46-CT/TU, ngày 14/7/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái “Về tiếp tục đẩy mạnh chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; xây dựng gia đình và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Lục Yên đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyên sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, huyện xây dựng Chương trình hành động, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); giao và đưa chỉ tiêu chính sách này vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2005 - 2010), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, xây dựng Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; hàng năm tổ chức 2 đến 3 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sinh sản và KHHGĐ; triển khai Tháng hành động quốc gia về dân số, các đề án, dự án nâng cao chất lượng dân số; xây dựng các mô hình, câu lạc bộ truyền thông về DS-KHHGĐ tại cộng đồng, tiếp cận từng nhóm đối tượng, tập trung vào vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, mất cân bằng giới tính khi sinh... và thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, 100% chi, Đảng bộ trong huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 46 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân; xây dựng chương trình hành động. Qua triển khai học tập, tuyên truyền đã giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nhận thức rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huyện luôn chú trọng đến việc củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác này và nâng cao hiệu lực quản lý. Đồng chí Hoàng Minh Thảo - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Lục Yên cho biết: “Mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ huyện đến cơ sở đã được tăng cường, củng cố, kiện toàn, ổn định tổ chức đi vào hoạt động hiệu quả. Hiện nay, cấp huyện có 6 cán bộ; cấp xã, thị trấn, mỗi xã có 1 cán bộ chuyên trách làm việc tại UBND xã.

Từ tháng 7/2009, huyện đã điều chuyển 24 cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ sang làm việc tại trạm y tế xã, thị trấn; 100% cán bộ chuyên trách tốt nghiệp cấp III, trong đó có 20 cán bộ đã học trung cấp y và 4 cán bộ đang theo học trung cấp y tế - dân số. Đội ngũ cộng tác viên (CTV) DS-KHHGĐ ở thôn, bản, tổ dân phố được duy trì ổn định số lượng 306 người/300 thôn, bản, tổ dân phố (những thôn đông dân, địa bàn rộng được bố trí 2 CTV). Hàng năm, đội ngũ này đều được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng truyền thông, tư vấn về kiến thức chăm sóc sức khỏe - KHHGĐ”. Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ được củng cố và phát triển. Đến nay, 100% cơ sở y tế từ huyện đến cơ sở có đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ như: triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai... cho đối tượng có nhu cầu sử dụng.

Mặc dù huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm sinh và giảm sinh con thứ ba trở lên song việc giảm sinh hàng năm trên địa bàn còn chậm. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 47, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mới giảm được 0,3% nhưng không đều giữa các xã, thị trấn; tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên tăng hơn. Năm 2005, toàn huyện có 4 trường hợp, năm 2010 có 1 trường hợp, năm 2014 có 8 trường hợp, trong đó có cả công chức cấp huyện, đảng viên giữ chức vụ chủ chốt ở cơ sở.

Số con trung bình của mỗi bà mẹ trên địa bàn giảm từ 2,3 con năm 2015 xuống còn 2,1 con năm 2014; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,18% năm 2005 xuống 1,065% năm 2014; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 8,8% năm 2005 xuống còn 8,5% năm 2014; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại luôn duy trì trên 80%; tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh từ 102,8 bé trai/100 bé gái năm 2005 lên 127,7 bé trai/100 bé gái năm 2014...

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 46 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các mục tiêu chương trình DS - KHHGĐ năm 2015, những năm tiếp theo của huyện, cấp ủy Đảng và chính quyền huyện nghiêm túc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; tiếp tục đưa nội dung công tác này vào chỉ tiêu thi đua hàng năm; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba và sinh con thứ ba trở lên; các xã, thị trấn nên xem lại việc bình xét hộ nghèo hàng năm vì thực tế có nhiều cặp vợ chồng đẻ nhiều, dẫn đến không thể thoát khỏi diện đói nghèo.

Mặt khác, tỉnh, huyện cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ cán bộ chuyên trách, CTV dân số thôn, bản vì đội ngũ cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ trong huyện mới được hưởng 1.150.000đồng/người/tháng; đội ngũ CTV DS-KHHGĐ 150 nghìn đồng/người/tháng nên chưa động viên được đội ngũ này làm tốt công việc thường xuyên và chưa bảo đảm cuộc sống cho họ. Thực hiện tốt các giải pháp trên, không chỉ riêng huyện Lục Yên mà các huyện, thị, thành phố trong tỉnh sẽ thực hiện tốt hơn các mục tiêu của chương trình DS -KHHGĐ của tỉnh, địa phương đề ra hàng năm.

 Minh Hằng