Hội chợ: “Những điều trông thấy...”

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/1/2015 | 2:38:56 PM

YBĐT - Đã thành thông lệ, cứ vào dịp gần tết, tại thành phố Yên Bái, trung tâm các huyện, thị lại diễn ra hội chợ nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội giao lưu kinh tế, hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đồng thời phục vụ nhân dân mua sắm hàng hóa, thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

Hội chợ Xuân Ất Mùi tại thành phố Yên Bái năm nay có hơn 300 gian hàng của trên 200 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành trong cả nước như: thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bến Tre… trưng bày và giới thiệu các mặt hàng: dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, đồ gia dụng, máy móc, thiết bị điện tử… Đây được coi là sự kiện thương mại tổ chức thường niên, có quy mô lớn nhằm tiếp tục cụ thể và góp phần thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị; chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động của Bộ Công thương và của tỉnh Yên Bái.

Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, tại Hội chợ có đến hơn nửa gian hàng là đồ may mặc, quần áo được bày bán với giá  rất rẻ như: 100 ngàn đồng 3 chiếc quần gió, 200 ngàn đồng 3 chiếc áo giữ nhiệt… rồi những chiếc áo khoác của cả nam và nữ mẫu mã tương đối đẹp mà giá cũng chỉ từ 150-200.000 đồng/chiếc và điều đáng nói là đa số chúng đều không có tem nhãn ghi nơi sản xuất hoặc ghi chữ nước ngoài. Đối với hàng gia dụng thì không có nhiều, chủ yếu là chảo điện, bếp từ mà theo như chủ các gian hàng giới thiệu có xuất xứ từ Hàn Quốc.

Đặc biệt, đây là hội chợ xuân, người dân có nhu cầu mua sắm hàng công nghệ phẩm như: bánh, kẹo, các mặt hàng nông sản như các loại gạo, miến, mộc nhĩ… thế nhưng các mặt hàng này lại cực hiếm. Cả hội chợ trên 300 gian hàng chỉ có vài hàng bánh kẹo của các tỉnh: Bến Tre Thừa Thiên - Huế, Nam Định, Hải Dương… Gian hàng bán các loại ô mai, mứt có căng pano ghi dòng chữ: "Ô mai Hàng Đường" nhưng ai sẽ là người "kiểm nghiệm" xem có đúng là ô mai Hàng Đường nổi tiếng không. Không những thế, mỗi khay ô mai có màu sắc bắt mắt đều không được che đậy.

Tại các gian hàng ẩm thực như bánh xèo miền Nam, bàn, ghế bày lộn xộn, giấy ăn đã qua sử dụng vứt bừa bãi xuống đất, 3 chiếc bếp than đen sì, cáu cạnh được dùng để chiên bánh, mỡ bắn tứ tung… Không biết bánh ngon cỡ nào nhưng nhìn cũng đã thấy mất an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Yên Bái là tỉnh sản xuất nông nghiệp, có nhiều mặt hàng nông sản nổi tiếng như: gạo nếp Tú Lệ, gạo Bạch Hà, miến Giới Phiên, cam Trần Phú, bưởi Đại Minh… thế nhưng đi một vòng quanh hội chợ chúng tôi thấy duy nhất 1 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm miến Giới Phiên của thành phố Yên Bái.

Chị Hoa - chủ gian hàng cho biết: "Khách đến mua cũng ít. Chúng tôi chủ yếu trưng bày. Cũng có một số khách lấy số điện thoại để đặt hàng".
Nhìn chung, hội chợ lần này cũng không mấy khác biệt với các hội chợ trước, hàng hóa không phong phú, chủ yếu hàng may mặc chất lượng không tốt nên số lượng người tham quan và mua hàng rất ít. Thứ 7, Chủ nhật là ngày nghỉ để người dân đi mua sắm nhưng người đến với hội chợ hạn chế, người vào đã ít, khi ra cũng hiếm người mua được sản phẩm ưng ý.

Chị Hà Mai Chi, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) cho hay: "Mình đi một vòng rồi nhưng không mua được gì cả. Hàng quần áo thì cũng như bên ngoài mà cũng không phải hàng Việt Nam. Định mua ít bánh, mứt, kẹo, ô mai nhưng lại không có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng nên không dám mua…".

Cũng phải nói thêm rằng, Hội chợ được diễn ra tại Quảng trường 19/8, là nơi thuận tiện cho việc đi lại nhưng do không quy hoạch chỗ gửi xe nên có đến trên 10 điểm trông giữ xe trên các hành lang, thậm chí để xuống cả lòng đường. Khi có người đi qua, chủ trông xe là những thanh niên tóc xanh, tóc đỏ lao ra giữa đường mời chào gây mất trật tự an toàn giao thông.

Tổ chức hội chợ là để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội giao lưu kinh tế, hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đồng thời phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, thế nên các cơ quan chức năng cần quan tâm, xem xét các mặt được bày bán đúng theo tinh thần của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; cần kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; đồng thời nghiên cứu quy hoạch bãi gửi xe mỗi lần tổ chức hội chợ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Ánh Dương