Trường THCS Hạnh Sơn: Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/3/2015 | 3:31:33 PM

YBĐT - Trường THCS Hạnh Sơn đóng trên địa bàn xã vùng 3 của huyện Văn Chấn. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục dân tộc luôn được nhà trường chú trọng. Tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi, học sinh khá giỏi tăng lên theo từng năm là kết quả cho những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô và trò Trường trung học cơ sở Hạnh Sơn trong một giờ học.
Cô và trò Trường trung học cơ sở Hạnh Sơn trong một giờ học.

Cô giáo Đoàn Thị Thúy – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Tỷ lệ học sinh dân tộc của nhà trường chiếm trên 97%. Do vậy, nhà trường luôn quan tâm chú trọng công tác nâng cao chất lượng giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc của địa phương. Bên cạnh việc dạy các em học sinh kiến thức, thầy cô giáo trong nhà trường còn giáo dục học sinh nề nếp vệ sinh cá nhân, lao động tự phục vụ và giữ gìn vệ sinh chung, hướng dẫn các em hoạt động tập thể...”.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai tuyên truyền tới tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào thi đua “Hai tốt” để lập thành tích chào mừng các ngày lễ trong năm như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Ngày Giải phóng miền Nam 30/4... Các đợt thi đua có tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, xếp loại, giáo viên và có chế độ khen thưởng kịp thời với những cán bộ, giáo viên có thành tích cao.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra theo định kỳ, đột xuất, toàn diện để giáo viên nâng cao chất lượng toàn diện. Đó là giải pháp mà nhà trường đã áp dụng nhiều năm qua nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, phương pháp truyền đạt mới, thu hút được sự tập trung, hứng thú học tập cho các em học sinh, khuyến khích học sinh tự học, biết tự đánh giá trong quá trình học tập. Đến nay, 100% giáo viên nhà trường đạt chuẩn, thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Năm học 2014 – 2015, nhà trường có 308 học sinh của 8 lớp, tỷ lệ học sinh là người dân tộc chiếm 97,1%. Nhà trường đã thực hiện dạy học tự chọn theo chủ đề: lớp 6, 7, 9 dạy tự chọn môn Ngữ văn và Tiếng Anh; lớp 8 dạy tự chọn môn Toán học và Hóa học. Cô Đoàn Thị Thúy – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mục tiêu của các tiết tự chọn nhằm ôn tập, hệ thống hóa, khắc sâu kiến thức, kỹ năng cho học sinh; phân phối chương trình đã được điều chỉnh cho phù hợp với trình độ học sinh và điều kiện nhà trường”. Ngoài ra, các thầy cô giáo luôn quan tâm tới công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém.

Ngay từ đầu năm học mới này, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học lớp 9, học sinh thi giải Toán và Tiếng Anh trên mạng Internet. Nhà trường đã chọn được đội tuyển thi cấp huyện với 2 em tham gia thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 9, 1 em thi giải Tiếng Anh trên mạng lớp 6 và 1 em thi giải Toán trên mạng lớp 7. Cùng với đó, nhà trường bố trí dạy phụ đạo cho các em học sinh yếu 2 - 3 buổi mỗi tuần hoàn toàn không thu phí.

Mặc dù đóng trên địa bàn xã còn khó khăn nhưng nhà trường đã tổ chức dạy học được cho 100% học sinh môn Ngoại ngữ. Các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông, chương trình ngoại khóa được tổ chức đều đặn, tích hợp các nội dung trong dạy học và các hoạt động giáo dục như thực hiện dạy học tích hợp với giáo dục bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, rèn luyện kỹ năng sống... giúp học sinh tự tin trong giao tiếp, nâng cao hiểu biết và kỹ năng sống.

Thời gian tới, Trường THCS Hạnh Sơn tiếp tục đổi mới công tác quản lý và phương pháp giảng dạy; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, vận động các em học sinh ra lớp bảo đảm phổ cập giáo dục THCS; tích cực tuyên truyền, giáo dục ý thức, đạo đức, truyền thống tôn sư trọng đạo, nêu gương người tốt, việc tốt, vượt khó vươn lên trong học tập góp phần hình thành nhân cách đạo đức cho các em nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Minh Tư