Sức lan tỏa mạnh mẽ

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/3/2015 | 9:47:30 AM

YBĐT - Bằng nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ cùng sự hưởng ứng của nhân dân, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và tập trung đầu tư thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 107 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên (16 xã vượt kế hoạch năm), 41 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên trong đó vượt kế hoạch năm 4 xã, 1 xã đã được công nhận đạt NTM...

Người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình làm đường giao thông nông thôn.

Tuy mới triển khai, nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và nhân dân còn hạn hẹp nhưng phong trào xây dựng NTM đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao trong tỉnh. Mục tiêu xây dựng NTM là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7, khoá X về “tam nông”.

Xây dựng NTM cũng là cơ hội, điều kiện tốt để các xã, các vùng nông thôn vươn lên về mọi mặt. Để việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM hiệu quả, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, UBND tỉnh đã chỉ đạo và chọn 11 xã làm điểm và triển khai thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh. Trực tiếp UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng 2 mô hình điểm là xã Đại Phác (huyện Văn Yên) và Tân Đồng (huyện Trấn Yên), 9 huyện, thị, thành phố mỗi địa phương chọn 1 xã để làm điểm là: Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), Báo Đáp (Trấn Yên), Vĩnh Kiên (Yên Bình), La Pán Tẩn (Mù Cang Chải), Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), Hát Lừu (Trạm Tấu), Yên Hưng (Văn Yên), Lâm Thượng (Lục Yên) và Thượng Bằng La (Văn Chấn).

Ngoài các xã điểm, phong trào xây dựng NTM cũng được phát động ở tất cả các xã trên địa bàn. Mỗi xã, mỗi địa phương đều chọn một hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện thực tế. Xã chọn xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn, phát triển chăn nuôi và sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tôn tạo nhà ở khang trang bảo đảm ăn, ở hợp vệ sinh, giữ gìn bản sắc văn hoá; xã lại lấy chuyển dịch cơ cấu cây trồng làm hướng đi... nhưng tất cả đều hướng đến xây dựng NTM giàu mạnh.

Những năm đầu, tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho 11 xã điểm  trên 50 tỷ đồng, bình quân mỗi xã trên 4,6 tỷ đồng. Nhân dân cũng đã góp công, góp sức trị giá hàng chục tỷ đồng và hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông. Nhờ vậy, toàn bộ các xã đều đã hoàn thành xây dựng đề án nông thôn, đào tạo nghề cho trên 20.000 lao động nông thôn cùng hàng chục mô hình dạy nghề, bê tông hoá 250km đường liên thôn, liên xã, mở mới nền đường liên thôn, bản trên 700km…

Nếu như khi bắt đầu triển khai Chương trình, hầu hết các xã chỉ đạt từ 4 - 5 tiêu chí thì đến nay, xã Tuy Lộc đã đạt 19 tiêu chí và hoàn thành xã NTM vào năm 2014, 4 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí, 18 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí, 129 xã đạt trên 5 tiêu chí. 100% số xã đạt tiêu chí về an ninh xã hội được giữ vững, 50% số xã đạt tiêu chí về hệ thống điện, 40% số xã đạt tiêu chí về hệ thống chính trị, y tế, giáo dục, văn hoá. Cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm xây dựng khang trang hơn, to đẹp hơn, các làng, bản đều có nhà văn hoá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt…

Qua gần 4 năm triển khai, nhìn một cách tổng thể, việc thực hiện Chương trình vẫn còn rất nhiều việc cần làm và cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhưng có lẽ vui hơn cả, Chương trình đã nhận được sự đồng thuận cao của chính người dân, tuy còn khó khăn nhưng cũng đã cố gắng đóng góp công sức, hiến đất làm đường, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau giảm nghèo một cách bền vững, xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc... Quan trọng hơn, họ đã nhận thức và hiểu rõ về mục đích của xây dựng NTM - đó là nền tảng để hoàn thành Chương trình theo đúng mục tiêu đề ra. Khi người dân hiểu rõ tầm quan trọng cũng như lợi ích kinh tế từ xây dựng NTM, họ sẽ sẵn sàng chung tay, chung sức, hiến kế cùng xây dựng.

Không chỉ vậy, ngay cả việc các hộ nghèo cố gắng vươn lên phát triển kinh tế gia đình, các hộ khá giả hơn, giàu có hơn giúp công, của, kiến thức và hướng dẫn các hộ nghèo phát triển kinh tế. Có thể nói, bài học thành công bắt nguồn từ việc thực hiện tốt công tác dân vận, vận động các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ về vai trò chủ thể trong xây dựng NTM; từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng NTM giàu đẹp, văn minh.

Bên cạnh đó, mỗi đoàn thể, tổ chức chọn một phong trào tiêu biểu để tập trung hội viên và nhân dân tham gia. Hội Phụ nữ vận động cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đoàn Thanh niên phát động phong trào “Thanh niên thi đua sáng tạo trong xây dựng NTM và tham gia vệ sinh môi trường". Hội Cựu chiến binh phát động phong trào thi đua “Phát huy dân chủ, giám sát chặt chẽ các công trình xây dựng, vận động hội viên hiến đất, mở đường”…

Thiên Cầm