Trấn Yên phát triển nghề nuôi cá lồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2015 | 9:58:00 AM

YBĐT - Tận dụng lợi thế có diện tích ao, hồ, đầm lớn khá lớn, những năm qua, phong trào chăn nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) phát triển khá mạnh mẽ, nhất là mô hình nuôi cá lồng ở các xã Vân Hội, Việt Cường, thị trấn Cổ Phúc…

Mô hình nuôi cá bằng lồng lưới của gia đình anh Hiếu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá bằng lồng lưới của gia đình anh Hiếu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với diện tích mặt hồ gần 200ha, xã Vân Hội có điều kiện để phát triển nghề nuôi cá lồng. Xã phối hợp với Trung tâm Thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện tập huấn, trang bị kiến thức, mở lớp đào tạo nghề nuôi cá cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch UBND xã Vân Hội cho biết: "Nghề nuôi cá lồng ở xã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt hiện nay người dân đã biếp áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi, thay thế lồng tre, hóp bằng lồng lưới cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Là hộ nuôi cá lồng lâu năm, trước đây, anh Trần Trung Hiếu ở thôn 5 xã Vân Hội cũng chỉ nuôi bằng lồng tre, hóp nhưng thời gian sử dụng lồng ngắn chỉ được khoảng 2 vụ, cá cũng hay bị bệnh do khó vệ sinh lồng nên năm 2012 anh là người đầu tiên trong xã mạnh dạn mua lưới về làm lồng. Năm 2013, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, anh làm thêm 1 lồng ươm cá giống.

Anh Hiếu cho biết: "Nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đã gần 20 năm nuôi cá lồng cũng có vài lần thất bại do cá bị bệnh chết hàng loạt nhưng tôi không bỏ nghề mà đầu tư chuyển từ lồng làm bằng tre hóp sang làm bằng lưới, thu nhập mỗi năm được gần 35-40 triệu đồng". Theo anh Hiếu thì lồng bằng lưới có nhiều ưu điểm hơn lồng bằng tre, hóp như: diện tích lồng lớn hơn, thời gian sử dụng lâu hơn (trên 10 năm), lồng nuôi được nhiều loại cá ở những tầng nước khác nhau như cá ăn nổi và cá ăn chìm. Đặc biệt, lồng lưới dễ kiểm soát được tình hình dịch bệnh của cá, đồng thời dễ dàng di chuyển đến những nơi có nguồn thức ăn và nguồn nước sạch... Vì thế, trong cùng một thời gian nuôi lồng làm bằng lưới cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20 triệu đồng/lồng. Hiện nay, toàn xã Vân Hội có 37 lồng cá thì có trên 20 lồng là làm bằng lưới. Trong 2 năm (2013-2014), từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ cho 20 hộ dân với tổng số tiền trên 140 triệu đồng để đóng mới lồng nuôi và hỗ trợ con giống.

Nhờ nuôi cá lồng mà anh Hiếu đã xây được nhà.

Cùng với Vân Hội, Minh Quân là xã có lợi thế mặt nước lớn từ: đầm Hậu, đầm Gốc, đầm Cuốn, đập Đá Mài. Những năm qua, một số hộ dân ở các thôn Hòa Quân, Liên Hiệp, Đức Quân, Đồng Danh, Ngọi Ngòi  cũng sống bằng nghề nuôi cá lồng là chính. Anh Nguyễn Mạnh Hổ, thôn Đức Quân là một trong những người nuôi cá lồng có tiếng ở xã. Qua trao đổi với anh Hổ được biết, mỗi lồng cá anh thả 200 con, lúc thả cá trọng lượng 1-1,5kg/con, khi thu hoạch, bình quân 4,5-5kg/con, to thì 6 kg/con. Vậy là một lồng cá của gia đình anh nuôi gần 1 năm cho thu trên 8 tạ cá, với giá 60.000-65.000đồng/kg, mang về thu nhập trên dưới 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 20 triệu đồng.

Để phát triển nghề nuôi cá lồng, những năm qua, huyện Trấn Yên mở hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả cá và tổ chức nhiều cuộc thăm quan mô hình nuôi cá lồng ở nhiều nơi, chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát, phân vùng, chọn những nơi có độ dốc lớn và nhiều thức ăn tự nhiên để vận động người dân nuôi thả. Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân phát triển nghề, những năm qua tỉnh cũng đã hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng cá. Năm 2015, nếu hộ nào làm 3 lồng bằng lưới sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng. Theo số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp huyện thì đến hết năm 2014, toàn huyện có 93 lồng cá, tập trung chủ yếu ở xã Vân Hội, Việt Cường, thị trấn Cổ Phúc. Năm 2015, huyện phấn đấu đóng mới 21 lồng. Bà Nguyễn Thị Vui - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Mặc dù nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện nay nghề này đang gặp khó khăn, số lượng lồng cá giảm qua các năm do người chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, công tác phòng trị bệnh cho cá chưa tốt, người dân còn tập trung nuôi nhiều lồng trên 1 khu vực, độ sâu thấp nên việc vệ sinh và di chuyển lồng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, cá dễ mắc bệnh…”.

Để nghề nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Trấn Yên phát triển bền vững quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương, tránh nuôi ồ ạt cần tiếp tục phổ cập kỹ thuật chăn nuôi cho người dân tạo điều kiện cho người có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất…. Người nuôi cá và cán bộ kỹ thuật thủy sản luôn mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ phát triển cá lồng. Theo các hộ nuôi thì với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng lưới cho một hộ dân phải có 3 lồng trở lên rất khó thực hiện vì để làm 1 cái lồng lưới đã mất trên 10 triệu đồng.

Hồng Duyên