Giữ nét văn hóa Việt từ nhạc cụ truyền thống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/4/2015 | 9:52:28 AM

YênBái - YBĐT - Gần 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái đã đào tạo, bồi dưỡng, cho “ra lò” hàng nghìn học sinh, sinh viên, học viên được đào tạo theo các chuyên ngành. Có nhiều người trở thành nhà quản lý, nhà kinh doanh, lãnh đạo ngành, họa sỹ, nhạc sỹ, nghệ sỹ ưu tú, hội viên các hội nghệ thuật Trung ương và địa phương.

Trong quá trình phát triển, nhà trường đã có những bước đi cần thiết trong công tác đào tạo. Đặc biệt, từ năm 2002, việc đưa nhạc cụ truyền thống vào trong chương trình giảng dạy được coi là một trong những việc làm thiết thực để truyền thụ tinh hoa văn hóa Việt tới học sinh, sinh viên thông qua kho tàng âm nhạc, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Đến giảng đường Khoa Âm nhạc, nơi có lớp học nhạc cụ truyền thống, gặp các học sinh, sinh viên đang trong giờ thực hành mới cảm nhận được  tình yêu âm nhạc của các em. Những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của đàn bầu; trong trẻo, thánh thót, sắc gọn của đàn tranh; những nhấn nhá, uyển chuyển, mềm mại, trong, vang của đàn nguyệt; những tiếng thô đục, rè rè bên cạnh những âm thanh trong trẻo, êm ái như tiếng lòng thủ thỉ, thấm sâu vào lòng người của sáo Mông; câu nhạc chạy liền tiếng rất hay thay cho những nét nhấn nhá, luyến láy của đàn tam thập lục; giai điệu của đàn T'rưng  lúc như tiếng suối róc rách, khi lại như tiếng thác đổ; tiếng klông pút có lúc khỏe khoắn, phóng khoáng và rồi lại xa xăm…

Phó trưởng khoa Âm nhạc của Trường, cô giáo Nguyễn Kim Phụng cho biết: “Hiện nay, các trường văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc vẫn duy trì, phát triển và bảo tồn âm nhạc truyền thống qua các chuyên ngành nhạc cụ với đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhằm cung cấp cho học sinh nhận thức và hiểu sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc mình”. 

Khoa Âm nhạc của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Yên Bái hiện có 13 giáo viên, trong đó có 6 giáo viên thanh nhạc và 7 giáo viên chuyên ngành. Mỗi khóa đào tạo của Trường đều có một lớp học chuyên sâu về nhạc cụ dân tộc. Trung bình lớp học có từ 15 đến 20 học sinh, sinh viên.

 Ngoài những sinh viên học chuyên về thanh nhạc, đàn organ, đàn guitar còn có các sinh viên học chuyên nhạc cụ truyền thống là đàn tam thập lục, đàn bầu và được cấp bằng tốt nghiệp chính quy.

 Em Cứ Thị Mai, dân tộc Mông ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, sinh viên khóa 8, học năm cuối lớp Trung cấp âm nhạc. Với những nỗ lực, cố gắng trong học tập, em được cấp học bổng trong năm học cuối. Bằng tình yêu, niềm đam mê nhạc dân tộc Việt Nam, Mai chọn theo ngành học nhạc cụ truyền thống là đàn tam thập lục. Khi được hỏi tại sao không thích những thể loại âm nhạc đương đại, những chuyên ngành nhạc cụ điện tử hiện đại trong khi đa số các bạn sinh viên hiện nay đều rất yêu thích, Mai tâm sự: “Từ bé, em đã rất thích được nghe tiếng khèn, tiếng sáo của người Mông trong những dịp lễ hội, sau nữa lại được nghe những loại nhạc cụ của nhiều dân tộc khác như: pí pặp, khèn bè, đàn tính, đàn tròn và nhiều loại nhạc cụ hơi, có lưỡi gà bằng tre, bằng đồng, bằng bạc. Mỗi loại nhạc cụ này đều có cái hay riêng. Từ đó, em yêu và quyết tâm theo học chuyên ngành nhạc cụ truyền thống, mong được học thật nhiều, hiểu sâu những kiến thức về âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ở trường, em học thêm và sử dụng được một số nhạc cụ truyền thống khác như: đàn T'rưng, đàn tranh, đàn đá, klông pút. Về địa phương, em sẽ mang những kiến thức đã học để hướng dẫn cho mọi người cùng giữ gìn những nét văn hóa riêng của mỗi địa phương, dân tộc”.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, âm nhạc truyền thống là một thành tố quan trọng không thể thiếu được trong nền âm nhạc đương đại. Cô Nguyễn Kim Phụng cho biết thêm: “Nhà trường cũng đã có những đề tài nghiên cứu nhằm đưa một số loại nhạc cụ truyền thống đặc trưng của vùng miền Tây Bắc vào chương trình giảng dạy, qua đó từng bước khôi phục và gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc trong vùng. Tuy nhiên, vấn đề còn phụ thuộc nhiều vào con người, kinh phí đào tạo và thời gian”.

Ở vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, đã có những nhạc cụ truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác, thông qua các bậc nghệ nhân của từng vùng, miền. Hy vọng rằng, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái sẽ sớm có và hoàn thành được những đề án để đưa vào chương trình giảng dạy nhiều vốn văn hóa âm nhạc truyền thống của vùng núi Tây Bắc thông qua các chuyên ngành nhạc cụ truyền thống. 

Vũ Đồng