Viết lách - hơn cả một thú vui!

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/4/2015 | 9:50:22 AM

YênBái - YBĐT - Viết lách, với tôi mà nói, là cả một thú vui và nhiều hơn thế. Tôi chưa bao giờ coi viết lách là một nghề tay trái. Sao phải gọi là "nghề" nghe cho nặng nề thêm. Người ta chỉ gọi một công việc là nghề khi đã qua đào tạo, rèn luyện, nhờ nó mà họ sống và kiếm ra tiền.

Tôi chẳng qua trường lớp nào cả, chưa một lần được ai chỉ bảo cách viết sao cho hay, cho hấp dẫn, tôi cũng chẳng sống nhờ ngòi bút. Tôi thích gọi nó là một thú vui của riêng mình. Những lúc rảnh rỗi hoặc khi công việc áp lực, căng thẳng, tôi lại bòn rút một chút thời gian và kỳ cạch viết.

Công việc của một công chức nhà nước cũng đủ thứ chuyện, nhất là lúc nào cũng phải bơi trong cả một “rừng luật”. Suốt ngày vùi đầu trong văn bản nọ, bộ luật kia, hồ sơ nào là cướp, hiếp, giết.., rồi đến ly hôn, tranh chấp đủ thứ khiến nhiều khi tôi thấy sợ tâm hồn mình sẽ bị “ung thư” mất. Khi đó, tôi lại viết… Vì đơn giản, nhìn những con chữ chạy dài trên trang giấy khiến tôi vui, để những tâm tư, suy nghĩ của mình được nói ra khiến tôi nhẹ nhàng. Tôi thích viết về những điều bình dị thôi, chẳng có gì to tát, lớn lao cả, tôi kể về những câu chuyện tôi được nghe, được thấy, được trải nghiệm theo cách của riêng mình.

“Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”, viết lách cũng cho tôi những bài học hay, những trải nghiệm quý giá về cuộc sống. Tôi viết để hiểu thêm về công việc “làm báo” - tôi đã từng ước mơ trở thành nhà báo. Tôi nhớ ngày còn học cấp 3, lớp tôi có đứa siêu lắm, nó hay làm thơ, viết bài gửi cho chuyên mục “Nắng sân trường” của Báo Yên Bái.

Rồi thành một phong trào, lại là lớp chuyên Văn, chúng nó thi nhau gửi bài đăng báo. Đứa nào có báo gửi về trường là tự hào lắm, dù lúc ấy nhuận bút chả được là bao nhưng tự tay làm ra đồng tiền cũng “oai”. Tôi cũng miệt mài viết bài. Thời ấy, chưa có máy tính, để viết được một bài báo cũng lắm gian nan, nắn nót viết đi viết lại, rồi ra bưu điện gửi chứ không có công nghệ thông tin phục vụ như bây giờ. Tính kiên trì cũng từ đó mà được rèn luyện. Rồi có khi gửi đến mấy bài, mòn mỏi chờ đợi vẫn chưa thấy được đăng, lại viết, lại gửi cho đến khi được đăng mới thôi.

 Viết lách còn dạy cho tôi hiểu “tiền không phải là tất cả”. Nếu bài viết được chọn, điều hiển nhiên là tôi sẽ được nhận nhuận bút xứng đáng với công lao của mình. Nhưng nếu động lực chỉ là đồng tiền thì trước sau gì cũng sẽ bị gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền ghì sát đất, bóp nghẹt mọi sự sáng tạo và niềm đam mê. Nói là đam mê thì hơi hoành tráng nhưng chỉ khi nào có cảm hứng tôi mới viết, tôi không thích để đồng tiền chi phối “thú vui tao nhã” ấy.

Viết lách cũng là một cách để tôi tự trau dồi kỹ năng viết – một kỹ năng không thể thiếu của một thư ký tòa án. Mỗi ngày viết một chút, tôi tự học được cách sử dụng từ ngữ, cách bố cục sao cho hợp lý, học được cách diễn đạt phù hợp với từng hoàn cảnh. Đó cũng là cách để tôi tự hoàn thiện bản thân và cũng là để phục vụ cho công việc của chính mình.

Và điều tuyệt vời nhất mà tôi nhận được chính là tình yêu cuộc sống. Khi muốn viết về một vấn đề nào đó, buộc tôi phải quan sát, phải đọc, phải suy ngẫm, phải phân tích mọi mặt của vấn đề. Khi có cái nhìn đa chiều, tự bản thân tôi sẽ cảm được mọi sự việc, sự vật đều có những cái tích cực, cái hay ho của riêng nó. Tự trái tim mình sẽ cảm thấy yêu hơn, gắn bó hơn với những điều nhỏ bé của cuộc sống. Viết lách có thể ngấu nghiến của tôi không ít thời gian, có thể khiến tôi trăn trở nhiều nhưng tôi chẳng thích so đo làm gì, tôi đã “trót yêu” nó. Tôi sẽ tiếp tục viết, tiếp tục chia sẻ những điều tâm huyết đến mọi người bởi “Viết lách chính là hội họa của phát ngôn”.

Hà Thị Mai Na (Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn)