Dự án đã mang lại hiệu quả rõ nét

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/4/2015 | 3:10:04 PM

YênBái - YBĐT - 5 năm qua, Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” tại 10 xã vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên đã mang lại hiệu quả rõ nét, nhận thức của các đối tượng chuyển biến tích cực, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm… Phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thiên - Giám đốc Trung tâm Dân số, Kế hoạch hóa gia đình huyện về vấn đề này.

Trẻ dưới 5 tuổi rất cần sự quan tâm của gia đình và cả cộng đồng.
Trẻ dưới 5 tuổi rất cần sự quan tâm của gia đình và cả cộng đồng.

PV: Dự án triển khai nhiều hoạt động thiết thực và đã có chuyển biến rõ rệt, xin bà cho biết kết quả nổi bật sau 5 năm?

Bà Nguyễn Thị Thiên: Trước hết, chúng tôi phải khảo sát, xác định rõ địa bàn, mục tiêu, đối tượng tác động và phương thức can thiệp. Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” tại huyện Văn Yên đã tập trung triển khai các hoạt động: vận động cộng đồng, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao năng lực kỹ năng truyền thông cho các nhân viên y tế, dân số thôn, bản tư vấn tại hộ gia đình, thảo luận nhóm, thành lập, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ “Gia đình nuôi con khỏe”, nhóm vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện bữa ăn gia đình.

Mặt khác, Dự án đã cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ nhằm góp phần nâng cao kiến thức, hành vi của mỗi cá nhân trong gia đình, cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Qua đây, giúp họ tăng cường tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi tại địa phương; tăng cường sự cam kết của lãnh đạo địa phương, ủng hộ của cộng đồng cho các chương trình truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Đặc biệt, Dự án đã làm thay đổi nhận thức, một số hành vi và những thói quen không có lợi cho sức khỏe, tạo thói quen mới tự chăm sóc và tìm kiếm các dịch vụ về sức khỏe phù hợp trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nhận thức được tác hại của việc phụ nữ kết hôn sớm có thai, sinh con sớm. Các cặp vợ chồng và gia đình đã có sự chuẩn bị đầy đủ cho việc mang thai và sinh nở an toàn, biết nuôi con đúng cách, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ, phòng chống có hiệu quả các bệnh viêm nhiễm hô hấp, tiêu chảy của trẻ em. Hơn thế, Dự án đã tác động đến đối tượng là nam giới có những thay đổi về quan niệm, thực hành bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trong gia đình. Độ tuổi mang thai trung bình lần đầu tăng lên, tỷ lệ phụ nữ mang thai lần đầu dưới 18 tuổi giảm; tỷ lệ tiêu chảy ở trẻ em, đẻ tại nhà giảm, người dân đã nhận thức đúng, quan tâm hơn vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh môi trường.

Công tác quản lý thai sản tại trạm y tế xã trên địa bàn, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, nhất là bà mẹ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, độ tuổi trung bình mang thai lần đầu trên địa bàn huyện nâng lên từ 20 tuổi lên 21,5 tuổi, tỷ lệ sinh tại nhà giảm từ 20,5% xuống còn 10%, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 20,5% xuống còn 18%.

PV: Nhận định của bà như thế nào về hiệu quả của Dự án? Tới đây, Trung tâm Y tế phát triển cộng đồng sẽ ngừng hỗ trợ Dự án, nhưng theo chủ trương của tỉnh vẫn duy trì và tiếp tục triển khai. Vậy, góc độ thành viên Dự án, bà có những ý kiến đề xuất gì?

Bà Nguyễn Thị Thiên: Phải khẳng định rằng, Dự án được triển khai tại huyện Văn Yên đã xác định đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu thiết thực của phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các hình thức truyền thông triển khai có hiệu quả. Các hội nghị vận động ban đầu tập trung cho vận động tại huyện, xã, thôn, tạo môi trường tốt cho dự án trong quá trình triển khai. Dự án đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết và thực tế của địa phương nên đã nhận được sự chỉ đạo thống nhất từ cấp tỉnh xuống cấp xã và nhận được ủng hộ của các cấp, ngành, của người dân. Ngoài ra, các hình thức truyền thông của Dự án được xây dựng trên cơ sở hỗ trợ và duy trì sáng kiến của cộng đồng nên có tính bền vững.

Mặc dù Dự án triển khai có hiệu quả, song người dân mới chỉ thay đổi các hành vi nên cần tiếp tục duy trì bền vững. Số đối tượng tiếp cận vẫn còn hạn chế, kỹ năng truyền thông ở một số thôn, bản hiệu quả chưa cao, những nhận thức và hành vi của phụ nữ đã duy trì và thực hiện theo thói quen cũ rất khó bỏ. Do vậy, để Dự án có tính bền vững, thực sự tác động tới việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở cộng đồng rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước để duy trì các hành vi có lợi cho sức khỏe.

PV: Nếu tiếp tục thực hiện Dự án và để triển khai có hiệu quả bà có tham mưu như thế nào về chương trình hành động, giải pháp?

Bà Nguyễn Thị Thiên: Nếu được tiếp tục thực hiện Dự án, cần duy trì các xã đã được triển khai. Đồng thời, trong huyện còn một số xã, thôn, bản khó khăn, phụ nữ ít được tiếp cận thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên cần nhân rộng hơn nữa. Đối tượng tác động của Dự án tại cộng đồng là phụ nữ, chồng, mẹ chồng là rất phù hợp, song cần quan tâm hơn nữa sự tham gia nhập cuộc của đối tượng là người chồng. Dự án triển khai tập trung ở các xã, thôn vùng sâu, vùng xa nên việc đi lại rất khó khăn, thiếu điện, dân cư không tập trung nên chi phí cho vận chuyển và triển khai các hoạt động đòi hỏi có sự đầu tư kinh phí lớn.

Sau khi kết thúc Dự án, các thành viên Ban quản lý Dự án tại huyện đã chủ động tham mưu để duy trì những hoạt động của Dự án mang tính bền vững; duy trì các kết quả dự án đã đạt được; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lồng ghép vào các hoạt động của Dự án vào các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác; tập trung các hoạt động mang tính bền vững, nâng cao năng lực kỹ năng truyền thông cho các nhân viên y tế, dân số thôn, bản; tăng cường truyền thông tại cộng đồng, truyền thông nhóm, tư vấn tại hộ gia đình; duy trì và nâng cao chất lượng của các câu lạc bộ gia đình nuôi con khỏe tại các xã dự án, hỗ trợ vay vốn cải thiện bữa ăn gia đình, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh các kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nêu những tấm gương điển hình trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trần Minh (thực hiện)