Dự án nên được duy trì

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2015 | 2:49:35 PM

YênBái - YBĐT - Sau 5 năm triển khai Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số (SKBMTEDTTS) tại 20 xã vùng cao, khó khăn thuộc huyện Văn Yên, Lục Yên, đến nay Trung tâm Y tế phát triển cộng đồng đã ngừng triển khai Dự án. Những kết quả của Dự án mang lại đã tạo nên tiền đề để tỉnh Yên Bái đưa ra chủ trương duy trì và tiếp tục triển khai Dự án này trong năm 2015.

Các bà mẹ nên chủ động đưa con nhỏ tới các cơ sở y tế kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ.
Các bà mẹ nên chủ động đưa con nhỏ tới các cơ sở y tế kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ.

Khi chưa triển khai Dự án CSBMTEDTTS tại 20 xã của huyện Văn Yên, Lục Yên thì tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa và trẻ em suy dinh dưỡng ở những địa phương này luôn ở mức cao nhất trong toàn tỉnh. Ở huyện Văn Yên, tuổi kết hôn và mang thai sớm hơn khoảng 3 đến 4 năm so với tuổi trung bình của quốc gia. Tai biến sản khoa cao với ước tính có khoảng 29% phụ nữ có vấn đề về sản khoa; sinh con còn thiếu sự hỗ trợ của cán bộ y tế chiếm tỷ lệ 14,2%; tình trạng tử vong bà mẹ và trẻ em vẫn còn;  trẻ em ốm đau, tiêu chảy còn khá phổ biến ở mức trên 27%; kiến thức làm mẹ an toàn của phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây còn hạn chế…

 Còn tại huyện Lục Yên, 21% phụ nữ có vấn đề về sản khoa, sinh con còn thiếu sự hỗ trợ của cán bộ y tế chiếm tỷ lệ 5,7%; tình trạng tử vong bà mẹ và trẻ em vẫn còn; người chồng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nơi sinh, mong muốn có con trai vẫn còn phổ biến và phụ nữ mang thai vẫn phải lao động nặng cho tới gần ngày sinh; tình trạng trẻ em ốm đau, tiêu chảy còn chiếm khoảng 13%...

Tuy nhiên, 5 năm triển khai Dự án, được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp cùng với những hoạt động can thiệp tích cực, phù hợp với đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy của đối tượng thụ hưởng tại các địa phương triển khai Dự án. Cụ thể đối với huyện Lục Yên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của 10 xã đã giảm từ 23% năm 2011, xuống còn gần 20% vào thời điểm hiện nay; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi từ 41%o giảm còn 11,6%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 12,7% giảm xuống còn 6,7%, tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế đỡ đẻ tăng từ 94,3% lên 96,8%...

Tại huyện Văn Yên, độ tuổi mang thai lần đầu trung bình là 21,4 tuổi và đã tăng 1,4 tuổi; tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế đỡ đẻ từ 86% tăng lên 93%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 36,5% xuống còn 35%... Đặc biệt, người dân ở các địa phương vùng triển khai Dự án đã có thay đổi về nhận thức và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình; vấn đề dinh dưỡng, vệ sinh môi trường sống, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động bình đẳng giới… được thực hiện có hiệu quả.

Để góp phần cải thiện SKBMTEDTTS thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe của phụ nữ và trẻ em vùng cao, năm 2015 mặc dù Trung tâm Y tế Phát triển cộng đồng đã ngừng triển khai Dự án CSSKBMTE, song qua những kết quả đem lại của Dự án này trong 5 năm qua, tỉnh đưa ra chủ trương là tiếp tục duy trì và triển khai Dự án tại 20 xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của 2 huyện Lục Yên và Văn Yên. Tuy nhiên, để Dự án đem lại hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới UBND tỉnh yêu cầu ban quản lý dự án của 2 huyệntập trung hoàn thành các chỉ số đạt thấp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu vào cuối kỳ, đồng thời cải thiện các chỉ số đạt nhưng chưa bền vững, kỹ năng truyền thông y tế thôn bản, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó. thực hiện những hành vi có lợi cho sức khỏe bà mẹ, trẻ em và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của chính quyền địa phương; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; đào tạo cán bộ để thực hiện các hoạt động truyền thông; xây dựng và hỗ trợ duy trì các sáng kiến của cộng đồng về bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em lồng ghép với các chương trình, dự án hiện có; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản; tuyên truyền những gương tốt về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và bình đẳng giới.

An Nguyên