Quy định mới về cứu hộ trên đường cao tốc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 25/4/2015 | 2:28:09 PM

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 08/2015/TT-BGTVT quy định về công tác cứu hộ và định mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tư nêu rõ, phương án cứu hộ là một bộ phận trong phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc được người có thẩm quyền phê duyệt.

Nội dung phương án cứu hộ bao gồm: a- Tình huống cần cứu hộ thường xảy ra: vị trí, số lượng và tình trạng đối tượng cần cứu hộ; b- Địa điểm tập kết đối tượng cứu hộ trên tuyến; c- Thông tin về phương tiện, hành trình và thời gian cứu hộ: số lượng, chủng loại phương tiện và công suất phương tiện cứu hộ huy động, địa chỉ phương tiện cứu hộ xuất phát, đường đi đến hiện trường, các hỗ trợ từ đơn vị khai thác bảo trì, thời gian tiếp cận hiện trường, thời gian thực hiện cứu hộ, đường đi trong và sau khi cứu hộ ứng với từng vị trí, đoạn tuyến tiếp cận để thực hiện cứu hộ.

Khi xảy ra tai nạn, sự cố cần thực hiện công tác cứu hộ trên đường cao tốc, đơn vị khai thác, bảo trì phải tổ chức thực hiện phương án cứu hộ nhanh chóng, kịp thời để giải phóng hiện trường, đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP.

Trường hợp người điều khiển, chủ phương tiện tự tổ chức thực hiện cứu hộ thì ngay sau khi phát hiện sự việc, đơn vị khai thác bảo trì có trách nhiệm cử lực lượng đến hiện trường thực hiện giám sát, trợ giúp thực hiện cứu hộ theo phương án cứu hộ được duyệt đảm bảo tuân thủ quy tắc giao thông, an toàn giao thông và thời gian thực hiện.

Đồng thời, đình chỉ hoạt động tự thực hiện cứu hộ của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và khẩn trương tổ chức thực hiện cứu hộ theo phương án cứu hộ khi đối tượng tự thực hiện cứu hộ không đủ điều kiện về thiết bị cứu hộ, vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm điều kiện đảm bảo an toàn giao thông, có khả năng kéo dài thời gian thực hiện so với thời gian dự kiến của trường hợp tương tự trong phương án cứu hộ.

Trường hợp người điều khiển, chủ phương tiện đề nghị cứu hộ thông qua điện thoại khẩn cấp thì ngay sau khi nhận được đề nghị, đơn vị khai thác, bảo trì tổ chức thực hiện cứu hộ theo phương án cứu hộ. Trong trường hợp tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác, đơn vị khai thác, bảo trì xác minh ngay thông tin và quyết định tổ chức thực hiện cứu hộ kịp thời theo phương án cứu hộ.

Khi thực hiện công tác cứu hộ, đơn vị khai thác, bảo trì được sử dụng các điểm quay đầu đổi chiều khẩn cấp trên dải phân cách giữa để giảm chiều dài và thời gian hành trình của các xe tuần đường, cứu hộ, hỗ trợ cứu hộ, cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông.

Thông tư cũng nêu rõ thứ tự thực hiện cứu hộ. Trước tiên, cần hỗ trợ di chuyển người cần cứu hộ đến địa điểm tập kết; sau đó cứu hộ hàng hóa trên phương tiện; cứu hộ phương tiện; tiếp theo là bàn giao kết quả cứu hộ và di chuyển phương tiện cứu hộ ra khỏi đường cao tốc; xác nhận kết quả thực hiện cứu hộ; xác định mức độ, giá trị thiệt hại công trình đường cao tốc do phương tiện được cứu hộ gây ra; cuối cùng là dọn dẹp, vệ sinh hiện trường sau cứu hộ.

Trường hợp cần thiết, đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc được phép huy động phương tiện phù hợp đang lưu hành trên đường cao tốc để vận chuyển người cần hỗ trợ cứu hộ về địa điểm tập kết khi điều kiện cho phép và phải đảm bảo an toàn giao thông…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2015.

(Theo Chinhphu.vn)