Chặn “giặc lửa” từ gốc

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/4/2015 | 2:34:36 PM

YênBái - YBĐT - Nhiều năm qua, cứ vào vụ khô hanh, những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR-PCCCR) ở huyện vùng cao Trạm Tấu lại “ăn không ngon, ngủ không yên” vì nỗi lo “giặc lửa”.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống cháy rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống cháy rừng.

Mùa khô hanh năm 2014 - 2015 cũng không phải ngoại lệ. Trong tháng 3 và tháng 4/2015, trên địa bàn huyện đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy rừng tại các xã Xà Hồ, Bản Mù, Pú Hu và Túc Đán làm thiệt hại hàng trăm héc-ta rừng tái sinh, trảng cỏ và một số diện tích rừng trồng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cùng các cán bộ trong Ban Chỉ huy BVR-PCCCR huyện vừa trực tiếp chỉ huy chữa cháy rừng tại xã Xà Hồ về cho biết: “Nói thật với anh em, cứ vào vụ khô hanh hàng năm, không riêng gì cán bộ kiểm lâm chúng tôi mà tất cả các ban, ngành, đoàn thể của huyện và các xã đều rất lo xảy ra cháy rừng. Khi xảy ra cháy, nhiệm vụ số một là phải dập lửa, giữ rừng. Các nhiệm vụ khác tạm thời gác lại. Có người đi tham gia chữa cháy hàng chục lần rồi, có người mới lên công tác một, hai năm, mỗi năm, cũng phải đi chữa cháy rừng vài lần…”.

Nắm bắt nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong mùa khô hanh vì đây cũng là vụ sản xuất nương rẫy của đồng bào vùng cao, do đó, Ban Chỉ huy BVR-PCCCR huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên bám sát cơ sở, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thành lập, kiện toàn, củng cố 14 ban chỉ huy BVR-PCCCR, với trên 300 thành viên tham gia; thành lập 12 tổ cơ động với trên 230 người của 12 xã, thị trấn tham gia; thành lập 69 tổ, đội BVR-PCCCR với trên 740 người… 

Hạt đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và UBND các xã trong huyện tiến hành rà soát, thống kê nương rẫy gần rừng của các hộ gia đình và hướng dẫn cho các hộ dân đốt nương rẫy theo đúng quy trình kỹ thuật. Đối với những mảnh nương có nguy cơ cháy lan vào rừng, Hạt đã cử cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, ban chỉ huy PCCCR các xã tổ chức, hướng dẫn các hộ dân đốt 40 mảnh nương, cưỡng ép đốt 7 mảnh nương và đình chỉ không cho đốt 31 mảnh nương…

Tuy các ngành chức năng của huyện và UBND các xã đã kiên quyết ngăn chặn các hành vi có thể gây ra cháy rừng nhưng trong vụ khô hanh năm 2013 - 2014, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 4 vụ cháy rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện. Trong đó, 3 vụ cháy lớn xảy ra vào ngày 8/2/2014, tại thôn Háng Tầu, xã Túc Đán, thiệt hại 550ha; tiếp sau đó, ngày 25/2/2014, xảy ra vụ cháy tại thôn Háng Chi Mua, thiệt hại 4,5ha và ngày 18/3/2014, xảy ra cháy rừng tại thôn Mù Cao, xã Bản Mù, thiệt hại trên 31ha; ngày 18/4/2014, xảy ra vụ cháy rừng tại thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ, thiệt hại 1,5ha…

Tổng thiệt hại của 4 vụ cháy 587,2ha, trong đó, rừng trồng phòng hộ năm 2009 150ha; cây trồng đang trong thời kỳ thiết kế cơ bản chưa thành rừng 437,2ha. Từ đầu vụ khô hanh năm 2014 - 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ cháy tại các xã Bản Mù, Xà Hồ, Pá Hu, Túc Đán (chủ yếu là các trảng cỏ, lau lách và một số diện tích rừng trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện). Ngay sau khi xảy ra các vụ cháy rừng, Ban chỉ huy BVR-PCCCR huyện và các lực lượng chức năng đã huy động hàng trăm người tham gia chữa cháy, không để lửa cháy làm thiệt hại diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh và rừng trồng phòng hộ trên địa bàn. Riêng vụ cháy vào ngày 18/3/2015, tại thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, huyện đã phải huy động tới trên 800 người tham gia mới khống chế, dập tắt được đám cháy. Nguyên nhân các vụ cháy và diện tích rừng trồng phòng hộ bị cháy đang được các ngành chức năng của huyện vào cuộc điều tra, xác định diện tích cháy, đối tượng, nguyên nhân gây cháy để có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Để những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng phòng hộ trên địa bàn huyện Trạm Tấu không bị “giặc lửa” hoành hành trong vụ khô hanh hàng năm, thiết nghĩ, ngoài việc rà soát, kiểm tra, yêu cầu các hộ dân sản xuất nương rẫy ký cam kết, đưa một số vụ án gây cháy rừng về các thôn, bản xét xử lưu động, các lực lượng chức năng của huyện, xã cần thường xuyên kiểm tra sản xuất nương rẫy trong vụ khô hanh…

Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền trong vụ khô hanh hàng năm với mật độ “dày hơn” tới các thôn, bản để nâng cao nhận thức về công tác BVR-PCCCR cho người dân; đặc biệt là phải đưa vào các trường học để tuyên truyền và dạy học cho con em đồng bào vùng cao ngay từ bậc học mầm non và tiểu học để hình thành cho các em ý thức BVR- PCCCR ngay từ nhỏ để sau này, các em là “hạt nhân” tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân ở thôn, bản mình trong công tác quản lý, BVR-PCCCR… Như vậy, người dân Trạm Tấu mới không phải đối mặt với “giặc lửa” trong vụ khô hanh hàng năm như hiện nay. 

 Cao Chính