Về “thủ đô kháng chiến”

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2015 | 9:08:38 AM

YênBái - YBĐT - Trong một lần về với Tây Ninh - vùng đất huyền thoại với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chúng tôi đã may mắn được đến thăm Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, xây dựng tại khu rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Đoàn công tác Báo Yên Bái và Báo Tây Ninh thăm nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục kiêm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam năm 2013.
Đoàn công tác Báo Yên Bái và Báo Tây Ninh thăm nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục kiêm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam năm 2013.

Được nghe, được biết nhiều đến Khu căn cứ này nhưng chỉ qua sách, báo, tài liệu và các phương tiện thông tin đại chúng, nay tận mắt chứng kiến, nghe trực tiếp về truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất của quân và dân ta, những phút giây lịch sử hào hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc (1945 - 1975) như sống lại trong mỗi người.

Từ thành phố Tây Ninh, ngược quốc lộ 22B, theo hướng Bắc đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát khoảng 44km, rẽ phải theo tỉnh lộ 792 khoảng 7km rồi lại rẽ phải gần chục cây số nữa là đến Khu căn cứ. Ấn tượng đầu tiên khi đến nơi đây không thể không nói đến con đường trải nhựa thẳng tắp, xuyên qua những khoảng rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ tán che kín trời, chỉ còn lốm đốm những nụ hoa nắng thi thoảng chạm nhẹ trên cung đường, mang đến cảm giác thật bình yên.

Di tích nằm giữa thung xanh đại ngàn bao bọc bốn bên là rừng, suối, tạo ưu thế về mặt quân sự, qua đó, phản ánh tầm nhìn chiến lược trong việc chọn địa bàn đứng chân cho cơ quan lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tận mắt chứng kiến những dụng cụ sinh hoạt và phương tiện vũ khí chiến đấu thô sơ tại Nhà trưng bày di tích lịch sử, chúng tôi càng hiểu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng hết lòng tận tụy trong hoàn cảnh chiến tranh hết sức khắc nghiệt của các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Rời nhà truyền thống, chúng tôi đi trên con đường bê tông uốn lượn để đến những căn nhà nhỏ, đơn sơ (thực chất chỉ là cái lán) ẩn mình sau tán lá rừng với nhà hội họp tập thể, nhà làm việc của các cán bộ cấp cao, nhà ở của chiến sỹ và các ban, ngành. Những ngôi nhà trong căn cứ nổi trên mặt đất, toàn bộ cột, kèo, đòn tay đều làm bằng gỗ, mái lợp bằng lá trung quân -  một loại lá thật đặc biệt.

Theo chị Cao Hoài Phương - thuyết minh viên của di tích, hai vật liệu này là tài nguyên sẵn có trong rừng, vì vậy, phải chọn gỗ tốt, nguyên cây tròn để tránh mối mọt. Còn lá trung quân có nhiều đặc tính phù hợp cho nhà căn cứ, không mục bởi mưa nắng, không cháy trong đạn bom, dù bom có làm cây gãy, cành rơi, lá vẫn xanh tươi. Lá để đan thành tấm lợp mái bằng cách gấp lại, xỏ liên kết với nhau bằng lạt tre. Lợp nhà bằng loại lá này rất công phu nhưng mái lợp đều đặn, trông rất đẹp mắt. Các vật dụng trong nhà từ chiếc chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế vẫn giữ nguyên như trước đây. Các hầm trú ẩn làm sát nhà ở và làm việc, chìm trong lòng đất. Hầm mặt bằng như: trú ẩn, chỉ huy, thông tin... khá rộng để tiện sinh hoạt mỗi khi bom, pháo dội. Các hầm kiên cố nối với nhau bởi một hệ thống giao thông hào sâu 120cm, rộng 80cm và cách khoảng có hầm ếch để tránh phi pháo dài 1.500m, nền và bờ thành xi măng giả đất liên hoàn.

Trung ương Cục miền Nam thành lập vào tháng 3/1951, là một bộ phận của Trung ương Đảng, được Trung ương ủy nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam, lãnh đạo quân - dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trung ương Cục miền Nam qua từng thời kỳ lịch sử được mang nhiều tên gọi (mật danh) khác nhau như: R, A9, M40, K89, Anh Tám, Chín Nam... và mật danh R dùng lâu nhất trên cả tài liệu và khẩu ngữ. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích đặc biệt cấp quốc gia.
 Các đồng chí bí thư Trung ương Cục ngày ấy, sau này đã trở thành lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt… và nhiều cán bộ cách mạng khác đã ghi dấu trong thế hệ mai sau về sự đóng góp mồ hôi, công sức, vắt trí lực tìm đường đi, nước bước cho những đoàn quân ra trận, cho hàng triệu đồng bào thoát khỏi ách kìm kẹp, đạn bom, sớm  đưa hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà.

Càng đi sâu vào trong rừng càng thấy mình như lạc vào mê cung. Một cảm giác ngỡ ngàng xen lẫn thú vị bởi chúng tôi như được sống lại một thời gian lao mà anh dũng. Đã đi vào thơ ca kháng chiến, bếp lửa Hoàng Cầm ở Khu di tích đã phục vụ hàng trăm người ăn, nổi lửa hàng ngày nhưng địch không tài nào phát hiện, đáp ứng được 1 trong 3 yêu cầu bí mật đặt ra trong căn cứ cách mạng (đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng) cũng đã là một điều rất ấn tượng nơi đây. Chia tay Khu căn cứ, cảm xúc trào dâng thật khó nói bằng lời. Đó là sự trân trọng, cảm phục xen lẫn niềm tự hào và rưng rưng vì những hy sinh lớn lao của những “bộ óc lớn” trong nếm mật nằm gai đã tìm đường đi cho cách mạng miền Nam đến ngày toàn thắng; là ấn tượng không quên về mảnh đất Tây Ninh “trung dũng, kiên cường”, nơi đã sống và làm việc của những người cộng sản kiên định, vững vàng như lá trung quân không cháy bởi đạn bom.

 Thanh Chi