Để thoát nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/5/2015 | 9:35:04 AM

YênBái - YBĐT - Những năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh Yên Bái đã được các cấp, ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng. Phần lớn các hộ nghèo đã cố gắng phát triển sản xuất, tự tạo việc làm phấn đấu vươn lên thoát nghèo, nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đã đạt kết quả quan trọng. Trung bình mỗi năm tỉnh giảm 3,5 - 4%, riêng 2 huyện nghèo Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm trung bình trên 6%. Song kết quả giảm nghèo của Yên Bái chưa thực sự bền vững.

Theo kết quả điều tra, khảo sát hộ nghèo những năm gần đây, tỷ lệ hộ tái  nghèo mỗi năm có giảm nhưng chưa thực sự bền vững. Cụ thể, năm 2011, có 3.055 hộ tái nghèo, tỷ lệ 1,64%; năm 2012, có 2.091 hộ tái nghèo, tỷ lệ 1,09%; năm 2013, có 694 hộ tái nghèo, tỷ lệ 0,36%; năm 2014, có 433 hộ tái nghèo, tỷ lệ 0,22%. Lý do thì nhiều nhưng nguyên nhân chính là do nguồn lực bị dàn trải.

Qua rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành cho thấy, một số chính sách còn chồng chéo, mức đầu tư thấp khó tạo sự bứt phá cho người nghèo, vùng nghèo. Cùng với đó, nhóm chính sách hỗ trợ sinh kế chưa nhiều, chưa được triển khai rộng nên chưa tạo động lực cho sự vươn lên mạnh mẽ ở đa số hộ nghèo, vốn đầu tư cho giảm nghèo chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế, nhất là các huyện nằm trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ về giảm nghèo bền vững. Hơn thế, dù đã ban hành một số chính sách đặc thù để hỗ trợ thêm cho chương trình giảm nghèo, nhưng là tỉnh nghèo nên nguồn lực có hạn dẫn đến chưa hỗ trợ được nhiều.

Bên cạnh đó, những nguyên nhân khách quan: thiên tai, dịch bệnh, đông dân nhưng ít đất sản xuất nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp chưa phát triển, tiêu chí hộ nghèo hiện nay không còn phù hợp so với nhu cầu và thực tế đời sống… cũng ảnh hưởng lớn tới công tác xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt ở một số địa phương nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, bà con vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, bản thân hộ nghèo chưa thấy được quyền lợi phải gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong vươn lên thoát nghèo.

Để giảm nghèo bền vững nhất thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt tập trung vào các đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo, làm thay đổi cách nghĩ của một bộ phận người nghèo bằng lòng với hiện tại. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương. Không chỉ nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người nghèo cần có tư duy mới để tìm hướng đi thích hợp, mang lại hiệu quả cao.

Vấn đề nữa, trong những năm qua, Nhà nước và tỉnh đã quan tâm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thế nhưng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất không phải lúc nào cũng thành công. Hiện nay, khi nông nghiệp được cơ giới hóa một phần thì thời gian nông nhàn càng nhiều nên các địa phương cần mở thêm ngành nghề theo hướng đa ngành, đa nghề, giúp người nghèo có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Đặc biệt, người nghèo phải thực sự muốn vươn lên thoát nghèo thì công tác xóa đói, giảm nghèo mới mang lại hiệu quả bền vững.

Trần Minh