Tiết kiệm tối đa các chi phí

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/5/2015 | 2:51:12 PM

YênBái - YBĐT - Tất cả mọi công đoạn chăn nuôi hàng ngày, anh Hợi và chị Huyền đều chung sức gánh vác. Học tập kinh nghiệm từ mạng Internet, qua sách báo... đã giúp gia đình anh chị chăn nuôi lợn đạt hiệu quả.

Anh Hợi vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.
Anh Hợi vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

Hôm ấy, gia đình anh chị Hoàng Xuân Hợi và Nguyễn Thị Huyền ở thôn 3, xã Văn Lãng (huyện Yên Bình) xuất bán 10 con lợn được trên 9 tạ. Giá lợn hơi tại thời điểm này là 39.000 đồng/kg. "So với đầu năm 2015 thì mỗi cân lợn hơi giá đã giảm 6.000 đồng. Vì vậy, nếu không tính toán để tiết kiệm tối đa các chi phí thì quả thật là chăn nuôi không có lãi" - anh Hợi cho biết. Năm 2014, giá lợn hơi ổn định, lúc thấp nhất 37.000 đồng/kg, khi cao nhất 50.000 đồng/kg, nhà anh thu về trên 100 triệu đồng đã trừ mọi chi phí. Nếu như trước kia, thức ăn cho đàn lợn mua qua đại lý thì bắt đầu từ năm ngoái, anh đã trực tiếp ký hợp đồng mua cám với Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Thiên Quang (thành phố Hà Nội). 12 tấn cám một tháng, một nửa anh dành phục vụ chăn nuôi của gia đình, còn lại cung cấp cho các hộ chăn nuôi khác có nhu cầu. Lợn thịt toàn bộ ăn cám, riêng lợn nái ăn theo chế độ 50% cám và 50% ngô, sắn. Tính trung bình, gia đình xuất bán 15 con lợn mỗi tháng và trọng lượng đạt trên 80kg mỗi con.

Vợ chồng anh Hợi, chị Huyền cũng đã đầu tư mở rộng thêm 60m2 chuồng trại vừa trong tháng trước, nâng tổng diện tích lên 200m2. Khu vực chăn nuôi với 100 con lợn được chia thành từng ngăn ô sạch sẽ, thoáng mát, riêng biệt cho lợn nái 70m2 rồi đến lợn con, lợn thịt. Việc giữ gìn môi trường chăn nuôi, gia đình thật sự chú trọng theo các khâu như: vệ sinh chuồng trại, vệ sinh cho đàn lợn... Nguồn nước vệ sinh chuồng trại và vệ sinh cho đàn lợn đều dùng nước giếng, anh không sử dụng nước ao. "Từ khi chăn nuôi đến nay, gia đình có may mắn là đàn lợn không mắc dịch bệnh gì" - chị Huyền chia sẻ. May mắn đó không tự nhiên mà có, yếu tố quan trọng chính là anh chị đã làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch. Bên cạnh đó, anh Hợi thật sự quan tâm đến khâu lựa chọn con giống tốt. Do số lượng con giống do đàn lợn nái của gia đình cung cấp không ổn định nên anh vẫn phải mua thêm. Với anh, vấn đề là ở chỗ phải chọn lọc kỹ lưỡng để có chất lượng con giống tốt nhất, bảo đảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

"Lúc đầu cũng không biết, cũng không quen nhưng rồi dần có kinh nghiệm, cả hai vợ chồng đã tự tiêm phòng được cho đàn lợn, vừa chủ động vừa tiết kiệm" - chị Huyền cười tươi. Ví dụ như tiêm Lép - tô, nếu tự mua thuốc về tự tiêm thì chi phí là hơn 6.000 đồng/con lợn/mũi tiêm, thấp hơn nhiều nếu phải đi thuê tiêm. Gia đình đã thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo đúng hướng dẫn và quy định. Tất cả mọi công đoạn chăn nuôi hàng ngày, anh Hợi và chị Huyền đều chung sức gánh vác. Học tập kinh nghiệm từ mạng Internet, qua sách báo... đã giúp gia đình anh chị chăn nuôi lợn đạt hiệu quả. Cùng với đàn lợn thì ruộng lúa, cây ngô, ao cá, ngan, gà, vịt thêm phần thu nhập, bảo đảm cuộc sống ổn định cho cả nhà.

Anh Hợi khẳng định: "Hiện nay, vấn đề tiêu thụ, tôi đã có mối liên kết nên không lo bấp bênh. Gia đình cố gắng duy trì số lượng khoảng 100 con như hiện nay, còn việc mở rộng quy mô thêm nữa thì phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Hiệu quả chăn nuôi, với tôi, không gì khác ngoài việc tiết kiệm tối đa các chi phí".

Nguyễn Thơm