Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/5/2015 | 8:59:31 AM

YênBái - YBĐT - "Cần làm rõ tiềm năng, lợi thế và việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế đó để đem lại nguồn lực cho phát triển của tỉnh, thu ngân sách của địa phương", "Cần đánh giá làm rõ công tác cán bộ từ cơ sở, nhất là cán bộ cơ sở từ chi bộ..." ... Đó là một số ý kiến tham gia vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh do phóng viên YBĐT thực hiện.

Ông Trần Văn Tho - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái

Dự thảo Báo cáo chính trị có nhiều đổi mới, khoa học, nội dung đầy đủ, tính khái quát cao. Các phần mục đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, cấu trúc văn bản chặt chẽ, xúc tích. Dự thảo thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng bộ trước yêu cầu thực tiễn cách mạng của tỉnh hiện nay, cũng như tầm nhìn trong thời gian tới. Phần mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu được đề cập khá đầy đủ, hệ thống, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập khu vực và thế giới.

Tuy vậy, tôi xin tham gia ý kiến chỉnh sửa, bổ sung một số câu từ cụ thể về lĩnh vực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực và khoa học-công nghệ. Về nguồn nhân lực, trong mục này, đề nghị tại trang 28, dòng 5 từ dưới lên có câu: “Tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động hoạt động trong các ngành trọng điểm, các ngành mới, sử dụng công nghệ hiện đại” nên bỏ hai từ “hoạt động” và nên viết lại là: “Tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động trong các ngành trọng điểm, các ngành mới, sử dụng công nghệ hiện đại”.

Tại trang 28, dòng 3 cần thêm cụm từ “Thực hiện giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời” vào trước từ  “đến”… Đọc đầy đủ là “Thực hiện giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục,  học tập suốt đời, đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức…”

 Ông Trần Đức Thắng - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - Tôn giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh:

Tôi cơ bản tán thành với Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội lần thứ XVIII. Tuy nhiên, tôi tham gia một số ý kiến với Dự thảo Báo cáo chính trị như sau: Cần đánh giá làm rõ công tác cán bộ từ cơ sở, nhất là cán bộ cơ sở từ chi bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; công tác tổ chức bộ máy cần đánh giá sâu kết quả tinh giản bộ máy, biên chế, chính sách cán bộ, quy hoạch đào tạo để có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài “chí công vô tư” để đấu tranh với tệ nạn, tiêu cực, tham nhũng…

Về kinh tế, cần làm rõ tiềm năng, lợi thế và việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế đó để đem lại nguồn lực cho phát triển của tỉnh, thu ngân sách của địa phương (khai thác mỏ, hiệu quả…). Tiềm năng du lịch của tỉnh có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, gần thủ đô và là nơi trung chuyển hàng hóa giữa các các vùng… nhưng kết quả khai thác tiềm năng này chưa tương xứng cần được bổ sung thêm giải pháp.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, tổ 11, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái): Cần rõ ràng, cụ thể hơn về định hướng phát triển du lịch hồ Thác Bà

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVII, nhiệm kỳ 2010-2015, trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, ở phần thứ hai - Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020, mục B, phần 4 (trang 25-26) phát triển dịch vụ thương mại, Dự thảo đề cập: “Phát huy lợi thế đường cao tốc, phát triển mạnh các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng, như sân gôn, trung tâm mua sắm, du lịch hồ Thác Bà và tuyến du lịch Mường Lò-Nghĩa Lộ-Mù Cang Chải-Suối Giàng, Văn Chấn”.

Tôi nhất trí quan điểm, định hướng nêu trên và thấy rằng, trong khoảng 10 năm qua, tỉnh đã sớm nhìn ra lợi thế to lớn về du lịch của hồ Thác Bà. Đây là hồ nhân tạo rộng lớn, môi trường sinh thái khá lý tưởng; có bề dày văn hóa, lịch sử; đa dạng về bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc. Vì thế, tỉnh đã đầu tư nhiều tỷ đồng về cơ sở hạ tầng, kiên trì, tích cực mời gọi đầu tư…

Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn. Việc khánh thành và đưa vào sử dụng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã tạo cơ hội lớn để khai thác những lợi thế về du lịch của hồ Thác Bà trong sự gắn kết chung của du lịch Yên Bái và gắn kết với du lịch vùng các tỉnh trong khu vực, du lịch trong, ngoài nước. Vì vậy, trong Dự thảo, đề nghị nhấn mạnh hơn nữa phát triển du lịch hồ Thác Bà. Để nhấn mạnh, đề nghị điều chỉnh, bổ sung là: “Phát huy hiệu quả lợi thế đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; phát triển mạnh các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng, sân gôn, trung tâm mua sắm. Ưu tiên, tập trung thu hút đầu tư phát triển khu du lịch hồ Thác Bà, gắn với tuyến du lịch Mường Lò-Nghĩa Lộ-Mù Cang Chải-Suối Giàng, Văn Chấn”. Với nội dung như vậy, sẽ rõ định hướng, rõ chỉ đạo, rõ quan điểm và rõ cả chính sách, ở đây cụm từ “ưu tiên” đã bao hàm cả về thứ tự, chính sách.

Q.N (thực hiện)