Để các bà mẹ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/5/2015 | 2:20:32 PM

YBĐT - Dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em (BMTE) dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi” đã triển khai rất nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động thiết thực, đó là hội diễn văn nghệ.

Thông qua đó, tuyên truyền kiến thức, tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe BMTE, nâng cao vị thế của người phụ nữ, trẻ em để họ hiểu quyền lợi của mình trong xã hội. Quan trọng hơn, BMTE có cơ hội bày tỏ sự hiểu biết, tâm tư, nguyện vọng đối với sức khỏe của chính mình.

Trong quý IV/2014, Ban quản lý Dự án tỉnh đã phối hợp với huyện Lục Yên, Văn Yên tổ chức 10 buổi biểu diễn văn nghệ tại các xã thuộc Dự án, như: Tô Mậu, An Bình… với chủ đề “Cộng đồng với công tác chăm sóc khỏe BMTE dân tộc thiểu số”. Hội diễn đã thu hút nhiều diễn viên không chuyên của thôn, xã và trên 2.500 trăm BMTE cùng đến cổ vũ. Qua hội diễn cho thấy, những vấn đề được nhiều BMTE muốn bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện như: trang bị đầy đủ hơn kiến thức về BMTE, kiến thức làm mẹ an toàn, tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ y tế, bình đẳng giới...

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã An Bình (huyện Văn Yên) cho biết: “Dự án được triển khai đồng loạt và hiệu quả trên tất cả các thôn. Đặc biệt, Trạm đã phối hợp với đài truyền thanh của xã phát các chuyên đề và tổ chức được các hội diễn văn nghệ nhận được hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo chị em. Đồng thời, tổ chức được các buổi họp với trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể, vận động toàn xã hội quan tâm, chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi, thông qua những việc làm có lợi cho sức khỏe; lồng ghép nội dung cải thiện sức khỏe BMTE trong các buổi sinh hoạt thôn. Còn xã Tô Mậu (huyện Lục Yên), ngoài các hoạt khác, hội diễn văn nghệ cũng được bà con đón nhận rất tích cực. Ông Nguyễn Xuân Bùi - Phó chủ tịch xã cho biết, trên địa bàn phần lớn đồng bào Dao sinh sống, trình độ dân trí thấp, bất đồng ngôn ngữ, nên khó khăn cho truyền thông. Nhưng có thể nói, thi biểu diễn văn nghệ quần chúng có ý nghĩa thiết thực.

Qua lời ca, tiếng hát, tiểu phẩm, những câu hỏi giao lưu rất sát với thực tế, đã tạo được sự đồng thuận từ bà con. Từ đó, thông điệp truyền thông của Dự án được truyền tải đến cộng đồng, nâng cao nhận thức của BMTE, dần xóa tư tưởng, hủ tục của người chồng, bố mẹ chồng ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, cải thiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ… Chị Hoàng Thị Dung, thôn Làng Mát, xã Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên) chia sẻ: “Các hoạt động khác của Dự án cũng thiết thực, nhưng theo tôi hội diễn văn nghệ có lẽ là phù hợp nhất, bởi trong mỗi buổi diễn, có những tình huống, tiểu phẩm gắn liền với đời thường nên chúng tôi có cái nhìn thực tế nhất”.

Có thể khẳng định, việc tổ chức thi biểu diễn văn nghệ quần chúng có tầm quan trọng lớn, bởi nó là thực tế sát với đời sống nhân dân, chứ không chung chung lý thuyết. Qua đây, tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe BMTE; truyền tải tốt thông điệp và các nội dung hoạt động của Dự án tới cộng đồng. Từ đó, góp phần giảm bệnh tật, tử vong BMTE trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, thông qua khuyến khích các hành vi có lợi cho sức khỏe BMTE trong các cặp vợ chồng, gia đình, cộng đồng.

Song song với tổ chức hội diễn văn nghệ, Ban Quản lý Dự án tiếp tục duy trì tổ chức sinh hoạt hàng tháng tại 19 câu lạc bộ tại 2 huyện gồm: 10 câu lạc bộ phòng chống suy dinh dưỡng tại 10 xã của Dự án tại huyện Lục Yên và 9 câu lạc bộ gia đình nuôi con khỏe tại 9 xã trong Dự án thuộc huyện Văn Yên. Các câu lạc bộ đã tổ chức 57 buổi sinh hoạt trong quý IV-2014 với nhiều nội dung phong phú: cân trẻ, hướng dẫn và thực hành nấu ăn dinh dưỡng cho trẻ, tư vấn chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng, trao đổi và chia sẻ của các hội viên để hỗ trợ nhau trong cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ... Với nhiều hoạt động, giải pháp triển khai đồng bộ, đã góp phần hỗ trợ các BMTE dân tộc thiểu số được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Trần Minh