Quyền của tất cả mọi người

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/5/2015 | 9:07:15 AM

YênBái - YBĐT - Theo thống kê của Bộ Y tế, số người tử vong do sử dụng thuốc lá cao nhất với 40.000 người chết/năm, cao hơn số người tử vong do HIV/AIDS (38.000 người) và tai nạn giao thông (13.000 người).

Nhiều người vẫn hút thuốc lá ở nơi công cộng.
Nhiều người vẫn hút thuốc lá ở nơi công cộng.

Tại Yên Bái, theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, số bệnh nhân điều trị nội trú trong quý I/2015 là 312 bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi và COPD (bệnh chủ yếu do thuốc lá) là từ 8 - 10% và số bệnh nhân lao thu nhận tăng so với cùng kỳ năm trước. Đây thực sự là những con số đáng báo động cho tình trạng hút thuốc lá tại Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung.

Dễ mua...

Từ siêu thị lớn đến các đại lý nhỏ lẻ, từ quán trà đá vỉa hè đến quán cà phê, thậm chí ngay tại cổng những nơi bị cấm hút thuốc như: bệnh viện, trường học, cơ quan…, ai cũng có thể dễ dàng mua thuốc lá. Kinh doanh hàng tiêu dùng đã hơn chục năm, bà Trần Thị Tới, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) cho biết: “Thuốc lá là mặt hàng cửa hàng tôi không thể thiếu vì người mua thuốc lá nhiều. Có người một ngày mua 2 bao thuốc, có người mua cả cây thuốc chỉ hút trong một tuần lại ra mua. Cứ 3 ngày tôi lại nhập một đợt thuốc lá mới. Dịch vụ tiếp thị mang hàng đến tận nhà, chẳng phải đi đâu, nhanh lắm!”. Chỉ là một cửa hàng nhỏ mà lượng tiêu thụ thuốc lá đã như vậy. Vậy một ngày, một tuần, một tháng, trên địa bàn tỉnh Yên Bái lượng thuốc lá được tiêu thụ lớn như thế nào.

Ở khu vực Km4, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, những người làm nghề xe ôm vừa hút thuốc vừa nói chuyện với tôi. Một anh nói: “Ai hút thuốc rồi mới hiểu, đâu phải nói bỏ thuốc là bỏ được. Tôi hút thuốc gần 2 chục năm nay đã thấy làm sao đâu. Cấm hút thuốc ở chỗ công cộng, tôi hút thuốc ở nhà hay giữa đường thế này không ảnh hưởng đến ai mà. Đợi khách cả ngày mệt mỏi, buồn ngủ, không có điếu thuốc không thể trụ được, hút có vài điếu đáng bao nhiêu tiền”.

Có một thực tế khác, ngay cả trẻ em dưới 18 tuổi cũng có thể mua được thuốc lá. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao việc mua, bán thuốc lá lại dễ dàng đến thế? Khâu quản lý còn quá lỏng lẻo? Các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá chưa thực sự có hiệu quả, chế tài xử phạt hút thuốc lá (HTL) chưa đủ sức răn đe? Hay do chính những người sử dụng thuốc lá chủ quan với sức khỏe của mình và mọi người?

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”

Theo thạc sỹ, bác sỹ Vũ Anh Trường - Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh: “Trong thuốc lá có hơn 7.000 chất hóa học và 40 chất gây ung thư nhưng việc HTL là một thói quen có hại nhiều người vẫn chưa bỏ được. HTL là nguyên nhân của khoảng 25 căn bệnh khác nhau, một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi, phế quản, ung thư vòm họng và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và còn gây ra nhiều loại bệnh tật khác nguy hiểm như: đột quỵ, mạch vành. Tuy nhiên, đây là nguy cơ có thể phòng và tránh được. So với những người không HTL cùng nhóm tuổi, những đối tượng hút thuốc lá một bao mỗi ngày có nguy cơ tử vong do ung thư phổi, vòm họng và miệng cao gấp 14 lần; tử vong do ung thư thực quản cao gấp 4 lần; tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao gấp 2 lần; tử vong do tim mạch và ung thư bàng quang cao gấp 2 lần. Ở bất kỳ lứa tuổi nào, nguy cơ tử vong do HTL đều cao gấp đôi so với những người không hút thuốc ở cùng nhóm tuổi đó”.

Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ - CP/2000 về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2000 - 2010 và Bộ Y tế cũng ra Chỉ thị số 08/2001/CT - BYT về việc đẩy mạnh hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành y tế. Tuy nhiên, thói quen HTL trong cộng đồng vẫn còn phổ biến. Việc HTL không những là nguy cơ gây tử vong cao mà còn gây ra lãng phí tiền bạc thời gian, nguy cơ gây cháy nổ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người xung quanh, đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ có thai, làm mất mỹ quan nơi công cộng… Tuy việc phòng, chống HTL được xây dựng cả một đề án mang tầm quốc gia nhưng dường như câu chuyện về thuốc lá vẫn chưa có hồi kết.

Các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá tỉnh Yên Bái đến năm 2020:

1. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật PCTH thuốc lá và các văn bản hướng dẫn.

2. Xây dựng môi trường không khói thuốc và giám sát, đánh giá tình hình các hoạt động PCTH thuốc lá.

3. Tăng cường năng lực cho các cán bộ tham gia hoạt động PCTH thuốc lá, thanh tra các quy định của Luật PCTH thuốc lá và các văn bản hướng dẫn.

Mai Linh