Buổi sớm ở bản em

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/5/2015 | 9:20:08 AM

YênBái - YBĐT - Chỉ bằng vài chi tiết hình ảnh những nóc nhà gỗ trên lưng núi, mây chiều, mây sớm không đi xa…, thêm tiếng hót của chim Câu Kỷ Giàng, tác giả đã vẽ nên không gian rất đặc trưng của bản Mông.

Những nóc nhà gỗ trên lưng núi
Cho em tên làng
Cho em tên bản
Con chim Câu Kỉ Giàng hót
Mây chiều mây sớm không đi xa.

Buổi sáng
Con gà rừng chưa thức
Ông trăng chưa về đến nhà
Cô gái Mông đã hát
Bài hát bên lửa hồng có nốt nhạc hoa.

Cái lù cở nhỏ cho mẹ
Cái lù cở to cho em
Lên nương
Sợi lanh trong tay thoăn thoắt
Hạt sương rừng
Không  buốt
Thấm vào từng nét hoa văn.
                                    Lý Hoàng Cung

Lời bình:

Mở đầu bài thơ là hình ảnh bản Mông, không gian sinh tồn của cô gái Mông:

Những nóc nhà gỗ trên lưng núi
Cho em tên làng
Cho em tên bản
Con chim Câu Kỉ Giàng hót
Mây chiều mây sớm không đi xa

Chỉ bằng vài chi tiết hình ảnh những nóc nhà gỗ trên lưng núi, mây chiều, mây sớm không đi xa…, thêm tiếng hót của chim Câu Kỷ Giàng, tác giả đã vẽ lên không gian rất đặc trưng của bản Mông. Bản nằm giữa đại ngàn Tây Bắc trùng điệp, nhìn từ xa chỉ thấy thấp thoáng nóc nhà, quanh năm, suốt tháng, ngày đêm mây vờn phủ, quấn quýt… Chỉ có thế thôi nhưng đã thành bản, thành quê, là không gian sinh tồn, môi trường sống cả về vật chất và tinh thần của bao thế hệ người Mông. Nhưng điều đáng quan tâm còn là qua những hình ảnh ấy toát nên sự gắn bó, tình yêu, niềm tự hào của cô gái với không gian sinh tồn, với nguồn cội của mình.

Khổ thơ tiếp tác giả thể hiện thời gian buổi sáng của cô gái Mông:

Con gà rừng chưa thức
Ông trăng chưa về đến nhà
Cô gái Mông đã hát
Bài hát bên lửa hồng có nốt nhạc hoa.

Hai câu thơ đầu diễn tả thời gian còn rất sớm theo cách biểu đạt của người dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riêng: “Gà rừng chưa thức” (gà chưa gáy sáng); “trăng chưa về đến nhà” (chưa lặn). Đây là thời điểm cô gái Mông xuất hiện trong bài thơ. Ta không nhìn rõ mặt cô gái, chỉ thấy bếp lửa hồng bập bùng tỏa ấm và tiếng hát của cô gái đang cất lên trong trẻo, nồng ấm, khỏe khoắn giữa tĩnh mịch đại ngàn như một sự đánh thức núi rừng và vạn vật. Bài hát ấy là bài hát có nốt nhạc hoa - bài dân ca Mông trữ tình nuôi tâm hồn bao thế hệ, góp phần tạo nên tính cách người Mông. Mượn những hình ảnh bếp lửa hồng và tiếng hát nốt nhạc hoa, tác giả đã làm toát lên vẻ đẹp hồn nhiên, dân dã, khỏe khoắn, nồng ấm của cô gái Mông. Một sự diễn tả vừa kiệm lời nhưng lại vừa có sức lan tỏa và ngân vang.

Có lẽ ấn tượng nhất là hình ảnh lên nương của cô gái Mông:

Cái lù cở nhỏ cho mẹ
Cái lù cở to cho em
Lên nương
Sợi lanh trong tay thoăn thoắt
Hạt sương rừng
Không buốt
Thấm vào từng nét hoa văn

Lù cở là một loại gùi được đan bằng tre nứa, một vật dụng thân thuộc, hàng ngày của người Mông, nhất là người phụ nữ Mông. Khi ra khỏi nhà lúc nào đều có cái lù cở đeo trên vai. Còn đôi tay thì: “Sợi lanh trong tay thoăn thoắt”. Người phụ nữ Mông có thói quen lúc đi đường hay ngồi nghỉ luôn tay thêu thùa. Lù cở trên vai và sợi lanh trong tay thoăn thoắt là một hình ảnh rất đặc trưng của người phụ nữ Mông. Với đôi tay thoăn thoắt trên đường đi nương ấy, những sợi lanh vô tri đã được dệt thành những hoa văn trên thổ cẩm. Đó là những hình ảnh cách điệu của của cả một thế giới tự nhiên nhưng lại mang nỗi niềm của con người. Những hoa văn ấy vừa thấm đậm trí tuệ, tình cảm vừa thể hiện sự khéo léo, cần mẫn của cô gái Mông. 

Bài thơ giản dị, nhỏ nhắn, xinh xắn, viết về một buổi sớm ở bản nhưng từ không gian, thời gian ấy, nhân vật trữ tình - cô gái Mông hiện lên với một vẻ đẹp hồn nhiên, chân chất, khỏe khoắn và không kém phần duyên dáng. Điều đáng nói nữa là bài thơ được viết từ một tác giả không chuyên, một người con của dân tộc Mông.

                                                          Hiền Lương (Hội LHVHNT tỉnh)