Đồng tình nâng pháp lệnh phí và lệ phí lên thành luật

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/5/2015 | 2:57:20 PM

YênBái - YBĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 29/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều vào Luật Kế toán; Dự án Luật Phí, lệ phí.

Về Dự án Luật Phí, lệ phí, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết phải ban hành Luật, đồng thời đề nghị đối với các khoản phí, lệ phí do các cơ quan Nhà nước thu thì phải nộp vào ngân sách Nhà nước 100% vì các cán bộ thực hiện nhiệm vụ thu này đã được Nhà nước trả lương; đối với các đơn vị sự nghiệp thực hiện việc thu phí và lệ phí thì được giữ lại một phần theo quy định của Nhà nước.

Các đại biểu cũng đồng tình với việc miễn, giảm một số loại phí, lệ phí theo Dự thảo Luật, tuy nhiên cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng hơn để tránh gây bức xúc trong nhân dân. Việc thực hiện cơ chế đối giá sẽ gặp nhiều khó khăn đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp y tế.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Giàng A Chu – Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái - ảnh trên) cơ bản đồng tình với Dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài Chính và Ngân sách của Quốc hội về việc nâng Pháp lệnh Phí và lệ phí lên thành luật. Đại biểu cũng đề nghị cần quy định phí và lệ phí thu được phải nộp 100% vào ngân sách Nhà nước hàng năm; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức thực hiện việc thu phí, lệ phí.

Bên cạnh đó, đại biểu Giàng A Chu cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với Nghị quyết về các khoản phí, lệ phí do HĐND cấp tỉnh ban hành vì Dự thảo Luật quy định chưa rõ ràng. Về danh mục các loại phí, lệ phí, Dự luật mới đưa ra danh mục khung, đề nghị Ban soạn thảo đưa chi tiết danh mục các loại phí, lệ phí vào Luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch để người dân biết và thực hiện.

Về Luật Kế toán được sửa đổi, bổ sung, các đại biểu đề nghị nên áp dụng nguyên tắc kế toán giá trị hợp lý (giá thị trường) thì tại thời điểm phát sinh, việc ghi nhận giá trị khoản đầu tư ban đầu cũng tương tự như phương pháp giá gốc, nhưng cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp vẫn tiếp tục nắm giữ khoản đầu tư tài chính đó thì giá trị khoản đầu tư sẽ được ghi nhận theo giá thị trường, phương pháp này sẽ phản ánh đúng hơn giá trị tài sản thực tế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đồng tình với việc bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm, đặc biệt là quy định cấm lập hai hoặc nhiều hệ thống sổ kế toán tài chính khác nhau.

Mạnh Cường