Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa XI: Thẳng thắn và cầu thị

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2015 | 8:49:49 AM

Hội nghị khai mạc sáng 2/7 với sự tham dự của đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ủy ban Kỹ thuật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN). Xuyên suốt phiên làm việc là tinh thần thẳng thắn, cầu thị vì người lao động và sự phát triển của tổ chức công đoàn.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI.

Các DN nợ lương NLĐ là trên 2.629 tỉ đồng

Phiên làm việc sáng 2/7 của Ban chấp hành (BCH) do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng điều hành. Hội nghị nghe Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả công tác công đoàn (CĐ) 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015; Tờ trình về một số vấn đề xin ý kiến BCH Tổng LĐLĐVN để triển khai thực hiện Quy định số 282-QĐ/TƯ ngày 1.4.2015 của Ban Bí thư và Nghị quyết (NQ) 39-NQ/TƯ ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị; quán triệt triển khai thực hiện NQ 39/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Đỗ Xuân Học trình bày Báo cáo tóm tắt hoạt động của UBKT CĐ các cấp 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2015; Tờ trình NQ Hội nghị lần thứ 6 BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động UBKT CĐ”.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, đáng lưu ý là tiền lương, thu nhập của người lao động (NLĐ) được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ, bình quân tăng 14,75% so với năm 2014, nhưng mức tiền lương tối thiểu vẫn rất thấp so với nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Theo số liệu khảo sát, có 32,4% số CNLĐ có thu nhập 3-4 triệu đồng/người, 26,7% có thu nhập 4-5 triệu đồng/người và có tới 19,9% có thu nhập dưới 3 triệu đồng/người, thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ gặp khó khăn trong SXKD chỉ trả tương đương với mức lương tối thiểu vùng hoặc điều chỉnh tăng lương theo quy định nhưng lại cắt giảm một số khoản phụ cấp của NLĐ. Vẫn còn một số DN chủ bỏ trốn để lại khoản nợ lớn, trong đó có tiền lương, tiền BHXH của NLĐ... Theo báo cáo, các DN nợ lương NLĐ là trên 2.629 tỉ đồng.

Trong các tháng đầu năm, tình hình tranh chấp LĐ dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Đến hết ngày 22.6, trên địa bàn cả nước xảy ra 235 cuộc tranh chấp LĐ, tăng 59 cuộc so với cùng kỳ năm 2014; đình công xảy ra nhiều ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm tới hơn 80%... Trước tình hình đó, hoạt động CĐ có sự chuyển biến, hướng mạnh về cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng NLĐ, kiến nghị với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ những vướng mắc trong chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong Luật BHXH năm 2014, qua đó được Chính phủ, Quốc hội ghi nhận, từ đó nâng cao lòng tin và là chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên, NLĐ.

Đối với hoạt động của UBKT, 6 tháng đầu năm 2015 UBKT CĐ các cấp tổ chức 41.502 cuộc kiểm tra, trong đó 23.377 cuộc kiểm tra ở cùng cấp và 18.125 cuộc kiểm tra cấp dưới. Đến nay, sau gần 20 năm thực hiện NQ 4A/NQ-TLĐ ngày 5/1/1996 “Về tăng cường tổ chức và hoạt động của UBKT CĐ”, hoạt động UBKT CĐ các cấp góp phần tích cực vào việc tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản, nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ, giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của CĐ góp phần xây dựng tổ chức công đoàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

Tuy nhiên, từ khi ban hành NQ đến nay, nhiều quy định của pháp luật và quy định của tổ chức CĐ đã được sửa đổi, bổ sung như: Hiến pháp năm 2013, Luật CĐ năm 2012, Điều lệ CĐVN… Do đó, việc xây dựng NQ của BCH Tổng LĐLĐVN về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động UBKT CĐ là hết sức cần thiết. Một trong những mục đích là xác định rõ vai trò, trách nhiệm của CĐ và UBKT CĐ các cấp trong công tác kiểm tra, tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, triển khai mạnh mẽ, đồng bộ việc thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra…

"Đòi kinh phí CĐ là đòi cho đoàn viên CĐ, cho NLĐ”

Thảo luận tại hội trường sáng 2/7, các vấn đề tài chính CĐ, phát triển đoàn viên, CĐ chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được tập trung nêu lên một cách thẳng thắn, cầu thị vì NLĐ và vì chính sự phát triển của tổ chức CĐ.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Nam Lê Hồng Quân thẳng thắn: “Kinh phí CĐ là của chúng ta nên chúng ta phải đi đòi, không đi xin” và đòi kinh phí CĐ “không phải là đòi cho CĐ, mà là đòi cho đoàn viên CĐ, NLĐ”. Từ quan điểm chỉ đạo được thống nhất trong thường vụ, LĐLĐ tỉnh xác định nguồn lực và phương pháp thực hiện. Theo đó, chủ tịch CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, đội ngũ CBCĐ và trực tiếp là kế toán CĐ là nguồn lực chính.

Cái hay mà Hà Nam làm được là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nội dung công tác tài chính CĐ cho tất cả CBCĐ chuyên trách, để như Chủ tịch Lê Hồng Quân nhấn mạnh là mỗi CBCĐ chuyên trách đều hiểu, nắm vững, đều tuyên truyền, giải thích được khi làm việc với cơ sở. Với sự phối hợp cùng bên thuế, hằng năm, hai bên lập danh sách các DN, trong đó CĐ có trách nhiệm thống kê rõ những DN nào chưa nộp kinh phí CĐ để trong quá trình kiểm tra, bên thuế sẽ truy thu giúp.

Đối với vấn đề phát triển đoàn viên CĐ theo Điều 17, Chủ tịch CĐ KCN Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng khẳng định, phương pháp phát triển mới tuy có gặp khó khăn nhưng hiệu quả và thực sự để NLĐ được thực hiện quyền gia nhập CĐ của mình. Quá trình vận động thành lập CĐ, thay vì gặp chủ DN, lệ thuộc vào thái độ của chủ DN thì các CB CĐ KCN Đồng Nai đã tiếp xúc NLĐ trên xe buýt, tại khu nhà trọ, quán cà phê… để tuyên truyền, giải thích, vận động họ gia nhập CĐ. Sau khi thí điểm thành lập CĐ, phát triển đoàn viên theo phương pháp mới tại 3 DN, đến nay CĐ KCN Đồng Nai đã thành lập được 26 CĐCS với khoảng 1.500 đoàn viên.

Một trong những kiến nghị của Chủ tịch CĐ Khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai là Tổng LĐLĐVN tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm cho phương pháp mới này nhằm nhân rộng, vì thành lập được CĐCS theo cách này thì NLĐ rất phấn khởi bởi họ được thực hiện quyền tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ, được bầu người mình tín nhiệm vào BCH công đoàn cơ sở (CĐCS), hạn chế sự chi phối của DN, nâng cao được vị thế của CĐ qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ một cách sát thực.

Cũng trong phiên thảo luận hội trường sáng 2.7, đại biểu Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - trao đổi kinh nghiệm về nâng cao ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Trong đó nhấn mạnh sau khi ký kết, CĐCS gửi TƯLĐTT về CĐ cấp trên trực tiếp, CĐ cấp trên trực tiếp kiểm tra và gửi về LĐLĐ TP. Công việc quan trọng của LĐLĐ TP là đánh giá, thẩm định nội dung của TƯLĐTT. Trên cơ sở đánh giá, thẩm định đó, CĐ cấp trên trực tiếp hướng dẫn để CĐCS làm tốt hơn những lần tiếp theo. Hiện Đà Nẵng quản lý trên 500 bản TƯLĐTT.

Hôm nay - 3/7, Hội nghị tiếp tục các phiên làm việc.

                                                                                               (Theo LĐO)