Dành tâm huyết cho cuộc thi

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/7/2015 | 10:03:52 AM

YênBái - YBĐT - Cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam" được phát động từ tháng 10/2014 đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh tham gia. Cuộc thi đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của người dân tỉnh miền núi Yên Bái với nội dung, ý nghĩa và những đổi mới của các bản hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013.

Tổ thư ký ban tổ chức cuộc thi lựa chọn các bài viết chất lượng tham gia dự thi.
Tổ thư ký ban tổ chức cuộc thi lựa chọn các bài viết chất lượng tham gia dự thi.

Ngay sau khi cuộc thi được phát động, chị Lò Thị Cửu - cán bộ Phòng Công tác thanh niên, Sở Nội vụ rất hào hứng tham gia. Nhận thấy đây là một cuộc thi khó bởi 5 bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam ra đời trong những điều kiện khác nhau và hiến pháp sau luôn có sự kế thừa, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định cho phù hợp với tình hình thực tế. Vì thế, để có bài thi đáp ứng các yêu cầu của ban tổ chức, chị đã dành thời gian tìm đọc hơn 30 đầu sách và hàng trăm bài báo liên quan đến hiến pháp các thời kỳ. Quá trình tổng hợp các kiến thức làm bài thi, chị đã mất gần 4 tháng để hoàn thiện 630 trang nội dung bằng hình thức viết tay.

Chị Cửu tâm sự: "Tôi rất tâm đắc với tất cả 9 câu hỏi của cuộc thi. Để trả lời các câu hỏi, người viết phải dành nhiều thời gian nghiên cứu và bảo đảm độ chính xác từng câu từ; cùng với đó là chọn tư liệu, sách báo, tranh ảnh liên quan đến từng lĩnh vực, nội dung từng chi tiết trong câu hỏi, bảo đảm chắc chắn, minh họa phù hợp cho bài viết thêm sinh động".

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khích năm nay 92 tuổi ở tổ 5A, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái đã chứng kiến sự đổi thay của đất nước qua các thời kỳ. Do đó, ngay khi cuộc thi được phát động, cụ đã xem lại từng trang ghi chép của mình về các bản hiến pháp. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, đến bản hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, hiến pháp năm 1992 và mới đây nhất là Hiến pháp năm 2013. Vốn sống và những tâm huyết đã được cụ đưa vào bài thi một cách sinh động, thông qua những dẫn chứng, minh họa cụ thể ở chi, đảng bộ cơ sở, chính quyền địa phương trong quá trình sống và làm việc. Trong bộ câu hỏi tìm hiểu về hiến pháp, cụ Khích cũng rất tâm đắc với những câu hỏi về đổi mới của bản Hiến pháp năm 2013, bởi với cụ đây là lần đầu tiên 2 từ "Nhân dân" được viết hoa trong hiến pháp.

Cụ Khích chia sẻ: "Gia đình tôi là gia đình cách mạng, cuộc thi viết tìm hiểu hiến pháp này rất có ý nghĩa. Tôi tham gia viết bài cũng là phổ biến pháp luật cho con cháu trong gia đình và nhân dân địa phương, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội".

Gói gọn trong 8 câu hỏi tìm hiểu và 1 câu hỏi tự luận, cuộc thi xoay quanh những nội dung cơ bản của hiến pháp, trong đó có đề cập đến những vấn đề người dân quan tâm như: trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đối với cử tri, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, những đổi mới và ý nghĩa của bản Hiến pháp năm 2013 đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Cuộc thi này đòi hỏi người viết phải có sự tìm hiểu sâu sắc và vận dụng liên hệ thực tế trong quá trình hiến pháp được triển khai. Nhờ được tuyên truyền bằng nhiều hình thức nên cuộc thi đã thu hút đông đảo cá nhân, tổ chức tham gia. Sau gần 7 tháng kể từ ngày phát động, cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Ban tổ chức, đã có 45.351 bài hưởng ứng tham gia cuộc thi của cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân ở 47 sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và 9 huyện, thị xã, thành phố. Qua sơ loại, ban giám khảo đã lựa chọn hơn 80 bài chấm sơ khảo. Các bài dự thi này đều thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết, đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Một số tập thể có bài dự thi chất lượng như: huyện Văn Yên, huyện Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Báo Yên Bái...

Ông Trần Văn Tường - Phó giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban Giám khảo đánh giá: "Qua vòng sơ khảo, các bài tham gia dự thi đều bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức. Nhiều bài có sự đầu tư công phu, sưu tầm nhiều tài liệu, tư liệu, phân tích kỹ nội dung, có cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc, đề xuất được nhiều giải pháp quan trọng về tuyên truyền, phổ biến, đưa hiến pháp vào thực tiễn cuộc sống".

Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có ý nghĩa tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, là dịp để cán bộ đảng viên, nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật, hiểu rõ về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân đối với Tổ quốc, đề cao tinh thần thượng tôn - sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Theo kế hoạch, cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cấp tỉnh dự kiến sẽ tổng kết và trao giải trong tháng 7/2015. Ban tổ chức sẽ lựa chọn 20 bài viết có chất lượng gửi về ban tổ chức cuộc thi cấp trung ương.

Quỳnh Nga