Tăng cường sự lãnh đạo đối với tín dụng chính sách xã hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/7/2015 | 9:58:37 AM

YênBái -

YBĐT - Trong nhiều nguyên nhân có một nguyên nhân quan trọng là một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ riêng ngành  chứ không phải của mình.

Xác định nguồn vốn tín dụng ưu đãi có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nên Yên Bái đã hết sức quan tâm và tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn hoạt động hiệu quả. Do đó đến nay, 180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội, các điểm giao dịch này được đặt ngay tại trung tâm nên rất thuận lợi cho người dân đến giao dịch.

Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện 9 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 195.000 lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh vay vốn. Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp trên gần 50.000 hộ thoát nghèo, hỗ trợ trên 21.300 học sinh được đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; trên 6.200 hộ được hỗ trợ xóa nhà dột nát; xây dựng trên 18.000 công trình nước sạch, gần 18.300 công trình vệ sinh...

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Trong nhiều nguyên nhân có một nguyên nhân quan trọng đó là một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành chứ không phải của mình. Điều này dẫn đến kết quả công tác giảm nghèo thời gian qua chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn lớn, đời sống người nghèo vẫn còn nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, cùng nỗ lực của hệ thống ngân hàng chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể nhất là cấp cơ sở cần xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ của địa phương mình, từ đó tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, cấp ủy Đảng, chính quyền phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo làm tốt công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn, phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn… giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả.

Đối với mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội phải phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phối hợp chặt chẽ với ngân hàng chính sách xã hội và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức mình đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình… từ đó giúp đoàn viên, hội viên của mình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quang Thiều