Huyền thoại dưới chân Nà Khẩu

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/7/2015 | 9:52:30 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2014, bà Đinh Thị Nghĩa được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Đúng một năm sau, bà Vũ Thị Mậu - mẹ đẻ của bà Nghĩa cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu này.

Ngày 5/7/2015, quê hương và dòng tộc họ Đinh và họ Vũ tổ chức lễ công bố truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ Vũ Thị Mậu.
Ngày 5/7/2015, quê hương và dòng tộc họ Đinh và họ Vũ tổ chức lễ công bố truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ Vũ Thị Mậu.

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Bảy tôi lại đau đáu tìm đề tài về chủ đề thương binh, liệt sỹ. Khi là những bài viết về anh thương binh làm kinh tế giỏi, về tấm gương chiến đấu, hy sinh của những chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh; có lần lại quặn lòng trên trang viết khi kể về người lính 30 năm mất tin, mất tích mà đến tận hôm nay vẫn chưa được xem xét công nhận! Tháng Bảy năm nay lại về nhắc tôi thực hiện lời hẹn ước của mình.

Trải qua các cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, quân và dân Yên Bái với truyền thống yêu nước thương nòi, đã có hàng vạn người cầm súng lên đường hoặc dũng cảm chiến đấu ngay tại mảnh đất quê hương. Rất, rất nhiều tấm gương anh dũng, hy sinh, không có ai đủ sức để kể hết công lao, chiến tích của họ! Như vậy có nghĩa là đề tài thương binh, liệt sỹ là vô tận cho các văn, nghệ sỹ. Câu chuyện mà tôi mới được nghe kể dưới đây thực sự là huyền thoại -  huyền thoại có thực về một gia đình cả hai mẹ con đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở một vùng quê giàu truyền thống Cách mạng, xã Việt Cường huyện Trấn Yên.

Đường về Việt Cường không xa và rất êm thuận, con đường trải nhựa uốn quanh những nương chè, rừng cây xanh tốt. Quê hương Chiến khu Vần vẫn rực cờ và biểu ngữ mừng 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 - 30/6/2015). Đồng Phú kia rồi, ông Đỗ Kim Can người đi cùng reo lên như một người xa quê lâu ngày mới về. Ông Can bảo: “Tôi là người Đồng Phú, thoát ly công tác đã lâu, giờ định cư ở Cổ Phúc, tôi vẫn tranh thủ về thăm quê luôn. Nhưng lần nào về quê cũng háo hức lắm, quê tôi nghèo nhưng bà con đùm bọc thương yêu nhau, đặc biệt nhất là giàu truyền thống cách mạng”.

Công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước đã khiến Đồng Phú đổi thay rất nhiều, thôn đã có điện sáng, có đường nhựa, có trường lớp học, nhà xây kiên cố thay thế dần những ngôi nhà tranh tre, nứa lá… Với người Đồng Phú thì trên quê hương này cái gì cũng có đổi mới, chỉ có ngọn núi Gạo (tiếng Tày là Nà Khẩu) thì vẫn vậy. Ngọn núi sừng sững vươn lên trời xanh, bất chấp phong ba bão táp, chân núi phía Tây là làng Kháo (xã Hưng Thịnh), phía Đông là thôn Đồng Phú này.

Chuyện kể lại rằng, những năm trước cách mạng (1945) (thời thuộc Pháp người Tày gọi là người Thổ) ở bên đồi Kháo thuộc địa phận xã Hưng Khánh, đứng trên đỉnh Nà Khẩu nhìn thấy cánh đồng màu mỡ và dòng suối trong xanh liền về làng bảo nhau sang bên kia núi lập nên làng mới Đồng Phú. Rồi giặc Pháp cũng mò đến làng mới để ức hiếp dân lành.

Lịch sử Đảng bộ xã Việt Cường và huyện Trấn Yên ghi lại: Những năm 1945 - 1946 được giác ngộ cách mạng, đặc biệt là lòng căm thù giặc đã được đẩy lên cao (bản Đồng Phú chỉ có 35 hộ, gần 200 khẩu nhưng từ năm 1947 đến năm 1949 phải chịu 4 đợt giặc càn; chúng đã bắn chết 9 người, bắn bị thương 2 người, bắt đi 19 người, nhà cửa bị đốt sạch, thóc lúa, của cải bị cướp bóc…) nhiều thanh niên trong làng, trong bản đã đứng lên chiến đấu chống quân thù; du kích Việt Cường cũng ra đời và trưởng thành từ đấy. Vào năm 1948 trong một trận chiến đấu chống giặc càn tại xã Việt Cường, chiến sỹ du kích Đinh Văn Hữu con của bà mẹ Tày - Vũ Thị Mậu đã anh dũng hy sinh, sau khi giặc rút chạy, người dân thương tiếc chôn cất người liệt sỹ ngay đầu bản.

Đánh xong thực dân Pháp, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Với truyền thống của một gia đình, dòng họ, quê hương cách mạng, bà Vũ Thị Mậu tiễn người con thứ hai là Đinh Văn Định lên đường vào Nam chiến đấu. Người trong dòng họ kể lại, thời ấy ít chữ và khó khăn lắm nên anh Định đi chiến đấu mà chẳng một lần biên thư về, lần đầu tiên gia đình biết tin anh cũng đồng thời là tin đau xót -  anh đã hy sinh tại chiến trường miền Nam. Không có nỗi đau nào bằng người mẹ mất con nhưng bà Mậu vẫn cắn răng chịu đựng bởi đất nước này còn rất nhiều gia đình, bà mẹ khổ đau, mất mát như mình.

Bà Vũ Thị Mậu sinh hạ cả thảy được 6 người con (3 trai, 3 gái). Trong số ấy, người con gái cả là bà Đinh Thị Nghĩa, sinh năm 1923, xây dựng gia đình với ông Đỗ Văn Truyền, một cán bộ tiền khởi nghĩa, sau này làm Phó chủ tịch, Trưởng công an xã Việt Cường huyện Trấn Yên. Ông bà sinh hạ được bốn người con, hai người con đầu của bà Nghĩa ông Truyền lớn lên lần lượt vào bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Trong đó, anh Đỗ Văn Sử, sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1968, còn anh Đỗ Văn Ân, sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1970. Không cùng đơn vị, không chiến đấu cùng mặt trận nhưng cả hai anh em đều là những chiến sỹ giải phóng quân anh dũng của Quân đội nhân dân Việt Nam và cùng anh dũng hy sinh năm 1971.


Ông Đỗ Kim Can, cháu ngoại của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Vũ Thị Mậu (tên địa phương là bà Vãi Can) tự hào về truyền thống cách mạng của dòng tộc.

Thực hiện Nghị định 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, năm 2014, bà Đinh Thị Nghĩa được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Đúng một năm sau, bà Vũ Thị Mậu - mẹ đẻ của bà Nghĩa cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Hai mẹ con đều được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” có lẽ là một trong những trường hợp hiếm gặp ở đất nước Việt Nam, đó là niềm vinh dự lớn lao của dòng tộc họ Đinh, họ Vũ vùng Hưng Khánh, Việt Cường, đó cũng là niềm tự hào của quê hương, đất nước. Tuy không còn sống để được Đảng, Nhà nước, dân tộc tri ân, được các cấp, các ngành và nhất là còn cháu phụng dưỡng nhưng sự cống hiến, đức hy sinh của hai bà mẹ, có bốn người con liệt sỹ trong một gia đình là rất cao cả và rất đáng kính trọng. Tổ quốc, dân tộc và vùng quê Trấn Yên cùng con cháu sẽ mãi mãi nhớ ơn công lao của các bà mẹ, các chiến sỹ đã anh dũng, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bắt nguồn từ đỉnh Nà Khẩu, dòng khe Đá Mài vẫn lặng lẽ tuôn chảy, tưới mát cho những cánh đồng. Dưới chân núi, bên dòng suối mát, phần mộ của hai mẹ con - hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nằm khiêm nhường bên ruộng lúa, nương chè. Tôi thắp nén hương trầm thành kính trước mộ mẹ Mậu, mẹ Nghĩa, lòng thầm biết ơn các mẹ đã cống hiến, hy sinh cho thế hệ chúng tôi được hòa bình, tự do và hạnh phúc.

Lê Phiên