Số vụ, số người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm gia tăng: Người tiêu dùng có dễ dãi?

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/7/2015 | 2:33:19 PM

YênBái - YBĐT - Nếu gọi những người bị ngộ độc thực phẩm là người tiêu dùng thì “những người tiêu dùng đã quá dễ dãi khi sử dụng thực phẩm” - cơ quan y tế đưa ra nhận xét như vậy, khi đánh giá về tình hình ngộ độc thực phẩm những tháng qua. Trong vòng 6 tháng, tỉnh Yên Bái - cụ thể là, trên địa bàn huyện Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình đã xảy ra 8 vụ với 181 người mắc, 180/181 người nhập viện và 1 người đã tử vong; so với cùng kỳ tăng 6 vụ, 165 người mắc, 1 người tử vong.

Những loại thực phẩm nào đã làm họ bị ngộ độc? Đó là: rượu ngâm rễ, củ rừng; nấm độc; thịt cóc; lòng bò xào; mướp đắng xào trứng; kẹo có xuất xứ từ Trung Quốc. Con số thống kê và những thực phẩm trên chưa phản ánh tình hình một cách cơ bản, vì còn nhiều vụ ngộ độc khác mà người mắc không biết chắc hoặc chưa tới mức đến cơ sở y tế.

Không thể đổ lỗi cho thông tin - giáo dục truyền thông. Dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm với chủ đề “Sản xuất kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, hàng ngàn băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp, tờ rơi, băng hình, đĩa ghi âm cùng hàng trăm buổi nói chuyện, phổ biến về cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn... đã được triển khai, tuyên truyền rộng rãi tại các địa bàn trong tỉnh.

Cũng chưa hẳn là kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm chưa chú trọng. 180 đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành đã được lập; trên 3.600 lượt cơ sở chế biến, dịch vụ ăn uống, kinh doanh, sản xuất thực phẩm đã được kiểm tra; trên 800 cơ sở vi phạm đã được phát hiện trong những tháng qua. Đã có 140 kg thịt bò, 380 kg nấm linh chi, 193 kg nội tạng động vật, 450 kg củ cải, 180 kg váng đậu, 2.500 quả trứng gia cầm, 300 kg hộp cá mực sấy... đã bị tiêu hủy. Số vụ và số người ngộ độc còn cao hơn, nếu những thực phẩm này tới tay người tiêu dùng.

Những người kinh doanh hàng thực phẩm thiếu lương tâm và sản phẩm của họ gây ra ngộ độc? Có, nhưng có cả những vụ ngộ độc không liên quan gì tới họ như: ngộ độc sắn cao sản, ngộ độc rượu ngâm rễ, củ cây rừng, nấm độc, ăn thịt cóc nướng. Có điểm giống nhau là, những ca nặng và tử vong chủ yếu xảy ra các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 20/7/2015, lại có thêm 4 người trong một gia đình ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu ăn thịt cóc bị ngộ độc. Bà Lò Thị B. - một trong 4 người đó đã tử vong. Tháng 6/2015, ở xã Bản Mù cũng đã có 1 trường hợp như thế bị tử vong. Như vậy, tới nay Yên Bái đã có 9 vụ ngộ độc ,với 185 người mắc và 2 trong số đó đã tử vong.

Không phải tất cả, nhưng những vụ ngộ độc và ngộ độc tới mức tử vong như ở Trạm Tấu cho thấy có sự dễ dãi của một bộ phận người tiêu dùng và nói cho đúng là, thiếu hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm. Câu hỏi đặt ra là, công tác giáo dục truyền thông ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vấn đề?

“Đã có những nỗ lực thông tin giáo dục truyền thông nhưng chưa đủ để làm cho người dân nhận thức đầy đủ và tự phòng tránh. Khó khăn là ở chỗ, nhận thức của bà con còn thấp, ý thức còn thiếu, trong khi nếp sinh hoạt lạc hậu còn khá phổ biến” - bác sỹ Trịnh Văn Nghĩa - Giám đốc Bệnh viên Đa khoa Trạm Tấu nhận xét.

Nhưng cũng có những vụ chẳng liên quan gì đến vùng cao, dân tộc hay sinh nếp hoạt lạc hậu. Tháng trước, tại Công ty May DEASUNG GLOBAL ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, gần 90 công nhân nhập viện do ngộ độc. Xác nhận của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân là chất hóa chất bảo vệ thực vật (hợp chất Flucythrinate thuộc nhóm Pyrethroid) trong mướp đắng xào trứng mà những công nhân này ăn trong bữa ăn ca.

Một sự liên đới về trách nhiệm từ người sản xuất ra hàng hóa đến bán hàng, mua hàng, chế biến, nhà cung cấp, quản lý doanh nghiệp?  Khó có thể rõ quy trách nhiệm cho một ai đó trong “dây chuyền” này vì... ai cũng có trách nhiệm. Việc kiểm tra của cơ quan chức năng đã có nhưng không phải lúc nào cũng phát hiện và ngăn chặn được trước khi nó xảy ra.

Gia tăng ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng đưa ra nguyên nhân người tiêu dùng dễ dãi trong sử dụng thực phẩm. Tiếp theo là khó kiểm soát tình trạng sử dụng phụ gia ngoài danh mục, hóa chất bảo vệ thực vật, chế biến thực phẩm, năng lực kiểm nghiệm cấp huyện khó khăn. Đây là những khó khăn có thực và giải quyết nó, trước tiên chính là người tiêu dùng và để hỗ trợ thì cơ quan chức năng, địa phương nên tăng cường gấp đôi các nỗ lực, biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có ý kiến đề nghị công khai các cơ sở, nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, để xảy ra ngộ độc nhằm tăng hiệu lực công tác quản lý, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Đa dạng các hình thức giáo dục truyền thông cho người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một giải pháp cần thiết để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.

T.A