Vợ của lính

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/7/2015 | 3:12:14 PM

YênBái - YBĐT - Tôi từng đi, từng gặp và tiếp xúc với rất nhiều người vợ, song có lẽ vợ của lính thực sự là những phụ nữ đáng trân trọng bởi đức hy sinh, sự can trường, chịu thương, chịu khó và bởi tấm lòng nhân hậu, hiếu đễ, nhất mực thủy chung. Một lúc ba vai - vừa làm dâu, làm mẹ, làm cha, song chưa bao giờ nghe thấy ở họ một tiếng thở dài hay than vãn...

Tình yêu thương của bà Bình nay dành cả cho cháu nội Nguyễn Linh Chi.
Tình yêu thương của bà Bình nay dành cả cho cháu nội Nguyễn Linh Chi.

Có lẽ, sự cách xa đằng đẵng suốt cả thời thanh xuân được đổi bằng những cử chỉ ân cần, săn sóc khi đã xế chiểu cho nửa kia của mình lúc vết thương tái phát, với họ vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều, nhiều lắm những người mẹ, người vợ mãi đau đáu nỗi niềm mong con, chờ chồng qua khói hương, di ảnh...

Năm nay, Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Hòa bước sang tuổi 92 - cái  tuổi đã như đèn trước gió, nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn lắm. Tới thăm mẹ trong ngôi nhà nhỏ ở tổ 36, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) vào những ngày tháng Bảy, khi cả nước đang có nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, cũng là ngày mẹ làm giỗ cho người con gái cả - Liệt sĩ Nguyễn Thị Bích Hợp.

Đón gói quà nhỏ trên tay tôi, mẹ Hòa lật đật đứng lên run run với nén hương trầm, nheo đôi mắt đầy dấu chân chim hướng lên bàn thờ rì rầm khấn. Trong khói hương trầm ngào ngạt, mái tóc bạc trắng bay xòa trước trán, mẹ Hòa bắt đầu câu chuyện bằng thời thơ ấu đầy khốn khó. Gia đình đông con, nạn đói tràn về, mẹ phải đi làm thuê trừ nợ cho ông bà khi vừa tròn 16 - lứa tuổi đẹp nhất của người con gái. Rồi gặp, yêu và lấy chồng cũng là một chàng trai cùng làng. Ở với nhau được ba mặt con thì "ông ấy đi bộ đội", gặp nhau vài lần về phép, lần cuối cùng là năm 1947, ông ấy đi đánh Pháp ở mãi Than Uyên "không thể trở về với tôi và các con được nữa".

Năm đó mẹ Hòa mới 27 tuổi. Một mình lần hồi làm lụng, cày thuê cuốc mướn nuôi con cho tới 10 năm sau, mẹ tái giá với người chồng thứ hai cũng là bộ đội. Ông công tác ở tỉnh đội Yên Bái, còn mẹ tham gia công tác hội phụ nữ xã Nam Cường. Những tưởng cuộc sống đã có chỗ dựa chỉ yên tâm công tác, lao động nuôi con thì đúng buổi chiều định mệnh ngày 9 tháng 7 năm 1965, mẹ Hòa phải chịu thêm một nỗi đau nữa. Trận bom Mỹ dội xuống khu vực lớp trung cấp y tế Yên Bái đã cướp đi người con gái xinh đẹp, giỏi giang của mẹ khi đang ở lại cùng hơn 50 bác sỹ, cán bộ, học viên làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu chống lại sự leo thang của giặc Mỹ.

Anh Phạm Trọng Bình - người con trai thứ 5 của Mẹ Hòa tâm sự: "Lúc đó, bom chưa ngớt, chúng tôi và rất nhiều bà con đã lao vào khu vực lớp học để tìm người thân nhưng tất cả đều đã bị xóa sổ. Chị tôi khi đó đang mang trong bụng đứa con đầu lòng. Quả thực, tôi cũng chưa thấy người mẹ nào phải chịu nhiều vất vả đau thương như mẹ tôi mà vẫn chẳng một lời kêu than". Nghe con nói vậy, mẹ Hòa chỉ cười. Mẹ bảo: "Đảng, Nhà nước vừa phong tặng Mẹ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hồi tháng Ba năm nay rồi, mẹ không có mong ước gì hơn". Nhìn mái tóc như cước bay xòa trước trán, tôi hiểu nỗi đau của mẹ nay đã hóa mây trắng trên đầu.

Rời nhà mẹ Hòa, tới thăm gia đình bà Phan Thị Bình (vợ của cố Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái - Nguyễn Đình Xanh) ở  tổ 67, phường Nguyễn Thái Học. Tuy không bằng tuổi mẹ Hòa, nhưng bà Bình năm nay cũng đã ngoài 80. Cũng là vợ của lính, cũng giống mẹ Hòa bởi những ngày tháng nuôi con, chờ chồng đi chiến đấu khắp chiến trường này tới chiến trường khác. Khi "về gần nhà", với vai trò chỉ huy trưởng, "ông ấy cũng đâu có được gần vợ, gần con".

Vậy là, một mình bà phải tảo tần sớm khuya làm đủ mọi nghề thay chồng nuôi con khôn lớn. Có ai ngờ nỗi đau nhức nhối suốt cả thời bình trong gia đình người lính ấy lại rơi vào đời thứ ba. Đó chính là di chứng từ người chồng thân yêu của bà bị nhiễm trong trận chiến khốc liệt tại Khe Sanh (Quảng Trị). Tất thảy nỗi đau da cam ấy từ ông truyền sang đứa cháu nội bé bỏng Nguyễn Linh Chi.

Niềm vui đoàn tụ khi chồng trở về từ chiến trường, khi cả ba đứa con lớn khôn, trưởng thành cũng không thể bù đắp nổi nỗi đau ấy. Nhìn đứa cháu nội không chân, không tay lớn lên tùng ngày càng khôn ngoan bao nhiêu ruột gan bà càng quặn thắt bấy nhiêu. Bà Bình nghẹn ngào: "Mỗi lần nghe con bé hỏi mẹ nó "Bao giờ tay chân con mới mọc ra?" là một lần ruột gan tôi như bị dao cắt. Chiến tranh thật tàn khốc. Tôi không mất người thân nào trong cuộc chiến, nhưng nỗi đau này chẳng biết chừng nào nguôi?".

Nỗi đau ấy của bà Bình không biết sẽ còn là của bao nhiêu người vợ, người mẹ, người bà khác ở Yên Bái khi con số cựu chiến binh toàn tỉnh tham gia trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc lên tới 33.825 người. Trong đó, cựu chiến binh chống Mỹ là 13.438, chống Pháp là 1.709 và tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên 18.200 người. Đặc biệt, số thương bệnh binh là cựu chiến binh của toàn tỉnh hiện có trên 2.500 người. Đây chỉ là những con số thống kê của Hội Cựu chiến binh tỉnh, dù rất lớn nhưng chắc chắn chưa thể đầy đủ. Song, cho dù đã hy sinh hay còn sống thì hậu phương của người lính vẫn là nơi gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất, bởi họ vẫn phải sống, phải vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Về lại quê nhà trong đợt trao trả tù binh bên dòng sông Thạch Hãn, anh lính cao to, đẹp trai nặng hơn 70 kg xung trận năm nào chỉ còn chưa đầy 30kg. Những trận đòn tra tấn dã man ở chuồng cọp Côn Đảo khiến người chiến sỹ cộng sản kiên trung Lương Viết Huấn - thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng (huyện Yên Bình) chỉ còn lại một bên chân và một bên mắt dành tặng vợ. Ngày cưới, cả thôn bảo vợ ông là anh hùng vì dám lấy một thương binh nặng như vậy. Nhìn vợ đang bón từng thìa cơm cho mình bằng bên mắt rất mờ còn lại, ông Huấn nở nụ cười hiền khô: "Không có bà ấy, chắc tôi đã chết lâu lắm rồi. Giờ tôi chỉ lo bà ấy ốm phải đi viện thì nguy".

Vẫn biết làm vợ lính là thiệt thòi, là thiếu thốn, là không được ở bên chồng khi hạnh phúc hay lúc vượt cạn, thậm chí đã có hàng trăm, hàng ngàn người vợ, người mẹ từng hóa vọng phu qua bao cuộc chiến. Ngày nay cũng vậy, làm vợ lính đâu có chuyện liên tục được nhận những bông hồng trong ngày lễ tình nhân, không có khái niệm nũng nịu, yêu chiều chở nhau đi dạo phố, nhưng cũng giống như các mẹ, các chị, lớp trẻ hôm nay vẫn nhiều người chọn bạn đời của mình là lính. Bởi họ yêu màu áo xanh, yêu chiếc ba lô nặng trĩu hành trang của lính, yêu nước da sạm nắng và cả mùi mồ hôi chát mặn cùng nhánh san hô mà người lính biên phòng hay anh lính đảo mang về tặng vợ.

Mô hình lý tưởng của tình yêu giữa cô giáo trẻ với anh bộ đội biên phòng Nguyễn Thị Kim Liên và Vũ Khắc Biên là như vậy. Hai bạn ngày xưa cùng chung một lớp. Lớn lên, Liên làm cô giáo, còn Biên vào bộ đội biên phòng. Cuộc tình của họ được bạn bè và gia đình vun đắp đẹp như thơ kể cả khi Biên ở Ba Vì, lên đồn Huổi Luông mãi tận Mường Tè (Lai Châu) hay xung phong ra đảo. Những bức thư tình gửi cho người vợ trẻ được anh bộ đội biên phòng viết nắn nót và đẹp hơn cả chữ con gái ấy, chất đầy yêu thương và nhung nhớ khiến cô giáo chốn thị thành càng thương chồng nhiều hơn sau mỗi lần lặn lội vượt hàng trăm cây số lên tận đồn thăm anh.

Năm 2010, Trung úy Vũ Khắc Biên nhận lệnh ra Trường Sa cũng là một trong những chàng lính "quân hàm xanh" đầu tiên ra đảo, cô giáo trẻ ở nhà một mình nuôi hai con nhỏ, chăm sóc gia đình nội, ngoại hai bên với bàn tay vén khéo nhưng không thể tránh nỗi âu lo mỗi khi xem truyền hình thấy biển đang dậy sóng. Song, niềm tin và sức mạnh của tình yêu đã làm cô vững lòng và yên tâm công tác, chăm sóc gia đình. Tôi hẹn gặp Liên qua một đồng nghiệp vào đúng ngày "người lính của em" về thăm nhà.

Ngôi nhà nhỏ ở tổ 26, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) hôm đó ngập tràn hạnh phúc. Ông bà nội phấn khởi nấu ăn, hai đứa trẻ tung tăng quấn lấy bố, nhất là cô con gái nhỏ. Còn Biên thì bận bịu bới tìm mọi thứ, mọi ngõ, ngách trong nhà xem có gì hỏng hay sắp hỏng không để mà thay, mà sửa cho mẹ, cho vợ. Từ đường điện chưa an toàn, hệ thống nước rò rỉ cho tới chiếc xe máy vợ đi làm có khô dầu, bàn học của con trai có đủ sáng đèn, có bảo đảm độ nghiêng khi con tập viết... tất thảy đều được anh làm nhanh gọn, đẹp mắt như thể bù lại cho hậu phương sự thiếu thốn của vai trò trụ cột.

Nhìn chồng, ngắm con, cô giáo Liên hạnh phúc rạng ngời: "Cưới nhau nửa tháng là anh ấy đi công tác. Bọn em xa nhau đúng từ lúc yêu tới lúc cưới và từ lúc cưới tới tận bây giờ. Thi thoảng anh tranh thủ về thăm nhà, nghỉ phép hay em lên chốt mới được gặp. Đặc biệt, hơn một năm ra đảo là anh ấy không về được bởi nhiệm vụ và khoảng cách quá xa. Khi về anh ấy gầy và đen đi nhiều nhưng thật rắn rỏi và đáng yêu hơn, bởi đó là vì quê hương, Tổ quốc. Nếu phải chọn lại thì em vẫn chỉ yêu mình anh ấy mà thôi". 

Hạnh phúc rạng ngời của cô giáo Liên và các con khi “người lính của em” về thăm nhà.

Chia tay vợ chồng cô giáo Liên, tôi thấy vui lây với niềm vui của họ. Thật trân trọng và đáng quý biết bao khi lớp trẻ hôm nay biết nâng niu chăm sóc gia đình và sống có lý tưởng, khát vọng như vậy. Đất nước thanh bình, cuộc sống đang đổi thay, nhưng nét đẹp và đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam nói chung và những người vợ lính nói riêng như mẹ Hòa, như bà Bình và cô giáo Liên sẽ còn mãi với thời gian. Ngoài kia, tượng đài các anh hùng liệt sỹ sừng sững ở giữa trời, nhưng tượng đài của các mẹ, các bà mãi sừng sững trong lòng mỗi người dân đang sống thanh bình hôm nay.

Chiều tháng Bảy, ngang qua Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của tỉnh, chợt vút lên lời ca tặng mẹ của nhạc sỹ Phan Long: "Cả cuộc đời cha đi bộ đội/Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/Và những vết thương trên ngực cha/Cứ trở gió lại đau nhức nhối/Chiếc ba lô gió sương đã gội/Gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi.../Hai mươi năm sống đời vợ chồng/Hai mươi năm, hai mươi năm mẹ nuôi con một mình...". Tôi ước sao các mẹ luôn khỏe mạnh, sống lâu, sống mãi với con cháu tới ngàn năm, mặc cho mây trắng trên đầu còn bay...

Thành phố Yên Bái, tháng 7/2015
Bút ký của
Thanh Hương