Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam – Hoa Kỳ: Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, Việt Nam đã ký Hiệp định với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2015 | 2:26:43 PM

Sau 10 năm đàm phán, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được ký kết trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.

Nhân sự kiện này, phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn để tìm hiểu tác động và triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới.

PV: Việt Nam đã và đang chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Việc đánh thuế trùng có thể gây ra nhiều vấn đề như rào cản thương mại, vi phạm nghĩa vụ thuế. Vậy, ông có thể cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước như thế nào?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Kể từ khi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đầu tiên năm 1992 được ký với Úc, sau hơn 20 năm nỗ lực đàm phán, đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 60 Hiệp định đã có hiệu lực áp dụng. Việt Nam hiện đã và đang đón nhận đầu tư từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hệ thống Hiệp định rộng như vậy đã tạo ra một môi trường pháp lý về thuế rõ ràng, chắc chắn và ổn định cho các nhà đầu tư của phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ đang tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, với các quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư lớn nhất, số dự án đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan,... chúng ta đều đã có Hiệp định (trừ Hoa Kỳ).

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giúp đảm bảo việc các nhà đầu tư nước ngoài không phải nộp thuế hai lần đối với thu nhập thu được từ đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, với các quy định về thỏa thuận song phương và trao đổi thông tin, các Hiệp định tạo ra cơ chế pháp lý để cơ quan thuế Việt Nam và các đối tác Hiệp định trao đổi, xử lý các vấn đề liên quan đến đánh thuế trùng, trốn thuế, tránh thuế đối với các giao dịch qua biên giới, góp phần tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng.

Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư ra nước ngoài, các Hiệp định thuế với ý nghĩa như trên cũng sẽ là cơ sở pháp lý để khuyến khích và bảo hộ các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành kinh doanh và đầu tư tại nước ngoài. 

PV: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được ký kết. So với các Hiệp định trước đây với các nước khác, Hiệp định này có điều gì khác biệt?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Trước đó, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mặc dù trên phương diện đầu tư và thương mại, Hoa Kỳ là đối tác lớn và quan trọng của Việt Nam; ví dụ, về đầu tư, hiện tại Hoa Kỳ đứng thứ 7 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hơn 700 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký trên 11 tỷ USD. Điều này cũng cho thấy, việc đàm phán và ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Hoa Kỳ có đặc thù nhất định.

Thứ nhất, mặc dù là thành viên của cả Liên hợp quốc (UN) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhưng Hoa Kỳ không tiến hành đàm phán và ký Hiệp định thuế trên cơ sở Mẫu Hiệp định của hai tổ chức này (Mẫu UN và Mẫu OECD), mà sử dụng Mẫu riêng của Hoa Kỳ. Để đàm phán và ký kết Hiệp định với Hoa Kỳ, các nước phải chấp nhận đàm phán trên cơ sở Mẫu Hiệp định Hoa Kỳ; kể cả các nước thành viên OECD cũng không sử dụng Mẫu OECD khi đàm phán với Hoa Kỳ.

Thứ hai, với lý do nguồn lực dành cho lĩnh vực Hiệp định có hạn, Hoa Kỳ rất hạn chế trong việc đàm phán và ký kết Hiệp định. Kể từ Hiệp định đầu tiên với Hy Lạp được ký vào đầu những năm 1950, qua hơn nửa thế kỷ, đến nay, Hoa Kỳ cũng chỉ ký Hiệp định với gần 70 nước. Trong khu vực ASEAN, Hoa Kỳ mới chỉ ký Hiệp định với Indonesia và Thái Lan.

Thứ ba, đàm phán với Hoa Kỳ trên cơ sở Mẫu Hoa Kỳ, có nghĩa là ngay từ đầu các nước phải chấp nhận chính sách hiệp định của Hoa Kỳ ở mức độ nhất định. Ví dụ, các nước phải chấp nhận quy định về giới hạn hưởng lợi Hiệp định để hạn chế tối đa các trường hợp đề nghị hưởng lợi hiệp định của các đối tượng với các giao dịch không có bản chất kinh tế, thương mại thực; hoặc trao đổi thông tin về người nộp thuế một cách toàn diện hơn (kể cả thông tin do ngân hàng nắm giữ) để đảm bảo tính minh bạch và lành mạnh trong môi trường thuế.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã mất 10 năm để kết thúc đàm phán, kể từ phiên họp đầu tiên để trao đổi chính sách hiệp định và luật thuế mỗi nước năm 2005 cho đến khi Hiệp định được chính thức ký vào ngày 07/7/2015 tại Thủ đô Washington. 

PV: Hiệp định này có tác động như thế nào đối với triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Hiệp định sẽ có tác động tích cực đối với triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới. Trước hết, Hiệp định sẽ là một khung pháp lý về thuế rõ ràng, chắc chắn và ổn định cho các nhà đầu tư của cả hai nước khi tiến hành kinh doanh, thương mại tại lãnh thổ của nhau; sẽ không bị đánh thuế trùng đối với bất kỳ khoản thu nhập từ đầu tư nào.

Các nhà đầu tư là đối tượng cư trú Hoa Kỳ tiến hành đầu tư lâu dài tại Việt Nam sẽ không còn nỗi lo bị đánh thuế hai lần khi chuyển về Hoa Kỳ các khoản thu nhập từ đầu tư tại Việt Nam. Điều này sẽ càng thực sự có ý nghĩa trong trường hợp Hoa Kỳ thực thi các cải cách trong chính sách thuế quốc tế - không cho phép hoãn thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ khác tham gia các giao dịch kinh doanh, thương mại ngắn hạn tại Việt Nam cũng sẽ chỉ phải nộp thuế tại một nơi – Hoa Kỳ hoặc Việt Nam, tùy theo tính chất giao dịch.

Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định thuế giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ khắc phục được tình trạng hiện nay, một số các nhà đầu tư Hoa Kỳ phải tìm kiếm các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có Hiệp định với Việt Nam làm cơ sở để đầu tư vào Việt Nam để tránh bị đánh thuế hai lần.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng hưởng các lợi ích tương tự khi tiến hành đầu tư vào Hoa Kỳ. Đặc biệt, họ sẽ được áp dụng mức thuế suất giảm rất nhiều (từ 5 - 10%) đối với các khoản thu nhập từ đầu tư tại Hoa Kỳ mà hiện tại đang phải chịu mức thuế suất khấu trừ tại nguồn lên đến 30%. 

PV: Ông có thể cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch, biện pháp gì để việc áp dụng Hiệp định có hiệu quả nhất?

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Hiệp định sẽ phải được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền hai nước để có hiệu lực áp dụng. Về phía Việt Nam, Hiệp định sẽ do Chính phủ phê duyệt; về phía Hoa Kỳ, Hiệp định sẽ do Quốc hội phê duyệt nên phức tạp hơn và dự kiến ít nhất phải 12 tháng kể từ ngày ký.

Để Hiệp định đi vào cuộc sống nhanh chóng và mang lại hiệu quả thiết thực khi có hiệu lực, ngay từ bây giờ, Bộ Tài chính đã và đang triển khai các biện pháp cụ thể cả về mặt pháp lý và triển khai thực hiện.

Về mặt pháp lý, Hiệp định thuế và Nghị định thư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được áp dụng trực tiếp sau khi có hiệu lực bởi cả hai phía. Mặc dù Hiệp định được đàm phán trên cơ sở Mẫu Hiệp định của Hoa Kỳ, nhưng phần lớn các Điều khoản của Mẫu Hiệp định này đều dựa trên Mẫu Hiệp định OECD (là Mẫu Hiệp định Việt Nam đã đàm phán với nhiều quốc gia OECD); trong khi đó, các nội dung riêng có của Mẫu Hoa Kỳ được Việt Nam đàm phán và chấp nhận trên cơ sở không trái với luật pháp và quy định hiện hành trong nước. Do đó, việc áp dụng Hiệp định về cơ bản có thể dựa vào hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Căn cứ những quy định của Luật Quản lý Thuế, Nghị định của Chính phủ đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam và Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ do Bộ Tài chính ban hành. Hai Thông tư này hướng dẫn thực hiện nội dung cơ bản của các Hiệp định thuế và áp dụng cho các đối tượng là đối tượng cư trú của Việt Nam hoặc của Nước ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam.

Tất nhiên, đối với một số nội dung riêng của Hiệp định, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để ban hành các văn bản hướng dẫn vào thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực thi hành.

Về mặt triển khai thực hiện, ngay sau khi nhận được thông báo Hiệp định có hiệu lực thi hành từ phía Hoa kỳ, Bộ Tài chính sẽ giao Tổng cục Thuế có văn bản gửi Cục Thuế các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước thông báo thời hạn hiệu lực của Hiệp định và các văn bản hướng dẫn bổ sung cũng như văn bản tiếng Anh và tiếng Việt của Hiệp định. Tại thông báo nêu trên, cũng yêu cầu Tổng cục Thuế, các Cục Thuế có nghĩa vụ thông báo cho người nộp thuế thuộc phạm vi quản lý về các nội dung này. Thông báo và các văn bản đính kèm sẽ được đăng trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu Tổng cục Thuế chuẩn bị các tài liệu tuyên truyền và tập huấn về Hiệp định để phổ biến tới các công chức thuế và người nộp thuế có liên quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực thi hành.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Theo Dangcongsan.vn)