Yên Bái: Trên 6.200 lao động được đào tạo nghề trong 7 tháng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/8/2015 | 3:26:11 PM

YênBái - YBĐT - 7 tháng đầu năm 2015 các cơ sở dạy nghề tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho 6.261 người/13.970 người, đạt 45% kế hoạch đề ra.

Quang cảnh Hội nghị đánh giá kết quả công tác dạy nghề.
Quang cảnh Hội nghị đánh giá kết quả công tác dạy nghề.

Ngày 7/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác dạy nghề 7 tháng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm những tháng cuối năm. Tới dự có lãnh đạo các sở, ngành, Ban chỉ đạo 1956/QĐ-TTg của tỉnh; phó chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố; các trường dạy nghề.

Đồng chí Ngô Thị Chinh- Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/ QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ trì Hội nghị.

Trong 7 tháng đầu năm 2015 các cơ sở dạy nghề đã đào tạo nghề cho 6.261 người/13.970 người, đạt 45% kế hoạch đề ra, trong đó: cao đẳng nghề 139 người, trung cấp nghề 415 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 5.707 người. Một số địa phương tỷ lệ tuyển sinh đạt kế hoạch như: thành phố Yên Bái 578/1.020 người, bằng 56,7%; huyện Yên Bình 723/1.305 người, bằng 55,45%; Trạm Tấu 450/805 người, bằng 55,9%...

Trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương, đã duy trì khá tốt công tác phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề đào tạo chuyên canh cây công nghiệp, nông nghiệp và các ngành nghề chăn nuôi cùng một số nghề phi nông nghiệp, dịch vụ như: may mặc, xây dựng, sửa chữa máy nông cụ, sửa chữa xe máy, dệt thổ cẩm, chạm khắc đá, nghiệp vụ du lịch tại gia đình, kỹ thuật chế biến món ăn, dịch vụ chăm sóc gia đình…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề của các địa phương vẫn còn những tồn tại như: tỷ lệ đào tạo nghề còn thấp so với kế hoạch đề ra; một bộ phận quản lý đào tạo dạy nghề chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa sâu về nghề đào tạo; số học sinh sau khi học nghề chưa làm đúng với nghề được đào tạo…

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến thảo luận, bàn giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề của các huyện, thị, thành phố như: công tác đào tạo nghề cần có sự liên kết với doanh nghiệp tuyển dụng để sau khi đào tạo người lao động có việc làm và thu nhập ổn định; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy nghề đã xuống cấp cần được đầu tư bổ sung, nâng cấp; các cơ sở dạy nghề cần được đầu tư xe ô tô để vận chuyển máy móc thiết bị phục vụ công tác dạy nghề tại các xã, thôn bản…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Thị Chinh nhấn mạnh: các địa phương tiếp tục khảo sát, nắm bắt nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ/TTG; khảo sát nhu cầu đi làm việc tại các cơ sở may bởi giai đoạn 2014-2015 tỉnh có 3 doanh nghiệp may có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động với nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới trên 3.000 lao động; các địa phương nắm bắt cơ hội hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn để cung ứng lao động phù hợp với ngành nghề đào tạo; tăng cường tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; làm tốt công tác kiểm tra việc thực hiện các chính sách về công tác dạy nghề…, phấn đấu các cơ sở dạy nghề hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

P.S