Không bao giờ muộn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/8/2015 | 9:51:30 AM

YênBái - YBĐT - Xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép - không phải là những câu nói xa lạ với tất cả chúng ta.

Thực tế cuộc sống, những câu nói đó lại trở nên lạ khi thiếu vắng ở không ít nơi, nhất là trong các lĩnh vực, công việc, ngành nghề có quan hệ trực tiếp, gần gũi, liên quan giữa con người với con người. Điều này đặt ra những suy nghĩ về vấn đề đạo đức nghề nghiệp hiện nay.

Mới đây, Bộ Y tế đã triển khai cuộc vận động nhằm thay đổi thái độ ứng xử của cán bộ y tế với bệnh nhân tại các bệnh viện, gọi tắt là cuộc vận động “3 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin phép. Dư luận xã hội về cơ bản đều ủng hộ và mong muốn cuộc vận động sẽ tạo ra được sự đổi thay tích cực hơn trong mối quan hệ lâu nay chưa được đánh giá là tốt đẹp giữa thầy thuốc với bệnh nhân.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã thực hiện phương châm kinh doanh, phục vụ khách hàng “An toàn, thuận tiện, thân thiện, đúng giờ, hiệu quả” và chương trình hành động thực hiện tiêu chí “4 xin”: Xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép cùng “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ.

Có ý kiến cho rằng, việc các bộ, ngành phải phát động các cuộc vận động như vậy thật đáng buồn! Buồn bởi lẽ, toàn là những cán bộ, công chức, viên chức có học vấn, có hiểu biết, có trình độ nhưng lại kém văn hóa. Buồn bởi lẽ, những câu nói như: Xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép là bài học dành cho các cháu mẫu giáo thì nay phải “dạy lại” cho người lớn.

Ngẫm rằng, nỗi buồn ấy cũng có lý. Đạo đức nghề nghiệp luôn có sự gắn bó với các chuẩn mực đạo đức nói chung. Đối với đạo đức nghề nghiệp, mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có tiêu chuẩn đạo đức riêng để bản thân mỗi người nghiêm túc thực hiện và điều chỉnh trong mọi mối quan hệ. Xét ở một góc độ khác, điều đó cũng chính là văn hóa công sở.

Xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép đúng là bài học dành cho các cháu mẫu giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận khách quan hơn và có thể đặt câu hỏi về việc bài học ấy đã được “dạy tốt” ở các bậc học tiếp theo hay chưa. Mặt khác, mỗi gia đình, mỗi người lớn đã thực sự nêu gương và trực tiếp dạy dỗ, uốn nắn con trẻ như thế nào theo bài học ấy.

Tu dưỡng, trau dồi và rèn luyện đạo đức là công việc suốt đời của mỗi con người. Mỗi người phải có nền tảng về đạo đức xã hội nói chung cũng như tích cực, chủ động vận dụng chuẩn mực đạo đức vào mối quan hệ nghề nghiệp. Xây dựng đạo đức nghề nghiệp thực sự trở nên cấp thiết và trở thành mối quan tâm của các cấp, các ngành, toàn xã hội.

Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi mỗi cá nhân nêu cao ý thức tự giác thực hiện các chuẩn mực đạo đức cũng như nghiêm túc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép - những câu nói được nói bằng tất cả lòng chân thành thì cuộc sống có thêm nhiều niềm vui. Để có niềm vui thì việc bắt đầu không bao giờ muộn và dù có muộn cũng vẫn hơn không.

Nguyễn Thơm