Biến đồi hoang thành rừng cao su xanh thắm

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/8/2015 | 3:16:55 PM

YênBái - YBĐT - Sau mấy lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Yên Bái - Trương Công Tuyên. Bận trăm công nghìn việc song khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về việc phát triển cây cao su của đơn vị trên đất Yên Bái, vị Giám đốc này hồ hởi nhận lời.

Công nhân Đội Cao su Suối Quyền chăm sóc cây cao su.
Công nhân Đội Cao su Suối Quyền chăm sóc cây cao su.

Biết chúng tôi muốn đi tìm hiểu thực địa tại Đội Cao su Suối Quyền, sau mấy cuộc điện thoại, đã có người sẵn sàng dẫn chúng tôi lên đường. Vậy là, sau hơn 2 giờ đồng hồ từ trung tâm thành phố Yên Bái, chúng tôi đã có mặt tại huyện Văn Chấn. Tuy nhiên, để đến được với Đội Cao su Suối Quyền thì không có cách nào khác đó là phải đi bằng xe máy. Cũng may, thời tiết tạnh ráo nên mất gần 1 giờ đồng hồ từ trung tâm huyện Văn Chấn vượt qua con đường ngoằn ngoèo ngược dốc với đất đá lổn nhổn, chúng tôi cũng đến nơi.

Đón chúng tôi bằng cái bắt tay rất chặt, anh Đặng Tiến Trung - Đội trưởng Đội Cao su Suối Quyền không giấu nổi niềm vui. Có lẽ cũng lâu chưa gặp được người để tâm sự nên anh rất hồ hởi với những câu chuyện về ngày đầu mới đưa cây cao su lên đồng đất này. Rót cho chúng tôi cốc nước lọc, anh kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của những ngày gian khổ. Là tỉnh miền núi, nhiều năm qua, Yên Bái đã có khá nhiều dự án cây trồng, vật nuôi được triển khai với mục đích giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Khi dự án trồng cây cao su được triển khai tại Yên Bái, nhiều người không khỏi hoài nghi. Rất nhiều câu hỏi không chỉ là của người dân mà cả chính quyền địa phương cũng vậy. Nhận trọng trách của Công ty giao, với nhiệm vụ là Đội trưởng, anh đã cùng anh em trong Đội tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được lợi ích của việc đưa cây cao su vào trồng trên những diện tích đất trống, đồi núi trọc. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, chỉ có 7 người trong khi diện tích của Đội được giao là 300ha, nằm rải rác ở 4 xã của huyện Văn Chấn gồm: Suối Quyền, Sơn A, Phù Nham, Sơn Thịnh nên việc vận động, tuyên truyền cũng rất khó khăn.

Song với quyết tâm biến vùng đất hoanghóa thành vùng cây cao su trù phú, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, Đội ngày đêm san băng hạ cấp, mở đường lô để vận chuyển phân bón và cây giống lên núi. Những diện tích cao su đã trồng và diện tích cao su mới trồng đều phát triển rất tốt. Những lô cao su trồng năm 2013 đã cao vượt quá đầu người, còn diện tích mới trồng năm 2014 có nhiều cây đã cao bằng đầu người. Một vùng đất trống, đồi núi trọc hoanghóa nhiều năm nay đang được hồi sinh trở lại với màu xanh của rừng cây cao su.

Khoát một vòng tay rộng chỉ về phía đỉnh dốc của xã Suối Quyền, nơi bạt ngàn những cây cao su đã cao quá đầu người, anh Trung cho biết thêm: “Trước đây, toàn bộ diện tích đó chỉ để làm nương rẫy. Sau nhiều năm canh tác, đất trở nên bạc màu, nhiều diện tích bỏ hoang vì không thể canh tác được nữa. Bằng quyết tâm của anh em trong Đội, những cây cao su đã bén rễ trên đồi đất khô hạn. Chỉ 5, 6 năm nữa, rừng cao su sẽ cho dòng nhựa trắng, làm đổi thay cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây”.

Hiện tại, số công nhân của Đội là 35 người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc và hơn 20 hộ nhận khoán tham gia trồng, bảo vệ, chăm sóc với mức lương bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hộ dân được nhận vào làm công nhân của Đội và được chăm sóc, bảo vệ diện tích cao su đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Gia đình chị Lý Thị Còi, dân tộc Dao, thôn Suối Quyền, xã Suối Quyền nhận khoán 9,2ha cao su. Nhà chị có 5 nhân khẩu, mặc dù diện tích đồi rừng của gia đình nhiều song chủ yếu là trồng keo, bồ đề lấy gỗ và canh tác thêm ngô, sắn. Sau nhiều năm, đất đã bạc màu nên hiệu quả kinh tế không cao. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng gia đình cũng chỉ đủ ăn. Từ khi có dự án trồng cây cao su, được nhận trồng, chăm sóc diện tích cây cao su, cuộc sống gia đình chị đã khá lên rất nhiều. Trước đây, muốn có đồng tiền lo việc lớn, nhỏ phải đợi cây trái đến kỳ thu hoạch, còn nay, bình quân tháng nào gia đình cũng có khoản tiền 3 triệu đồng của Công ty nên cuộc sống cũng dễ chịu hơn nhiều.

Gia đình chị Lường Thị Huân, thôn Cốc Củ, xã Phù Nham cũng thoát nghèo từ khi được nhận vào làm công nhân của Đội. Nhà có 5 nhân khẩu, hai vợ chồng là lao động chính, còn lại 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. Mỗi dịp vào đầu năm học mới cần tiền đóng góp cho con, gia đình chị phải chạy đôn chạy đáo vay mượn rồi lại lo làm trả nợ nên cuộc sống lúc nào cũng trong cảnh túng thiếu. Từ khi được nhận vào làm công nhân và được nhận khoán diện tích 7,6ha cao su, ngoài khoản thu nhập ổn định 3 triệu đồng mỗi tháng, gia đình chị còn tăng gia thêm bằng việc trồng xen các loại ngô, sắn vào khu vực đường băng giữa 2 hàng cao su để có thêm lương thực phát triển chăn nuôi, nhờ đó, cuộc sống ổn định hơn rất nhiều.

Chia tay Đội Cao su Suối Quyền khi ánh chiều đã ngả vàng trên những đỉnh núi. Xa xa, những tốp công nhân đang hối hả ra về, tiếng nói cười râm ran vang vọng trên những đồi cao su xanh thắm. Chỉ vài năm nữa thôi, hy vọng, rừng cao su sẽ cho dòng nhựa trắng. Cả một vùng quê núi sẽ bừng sáng với cuộc sống no ấm của bà con dân tộc nơi đây.

Thanh Tân