Xây dựng thị xã văn hóa, du lịch - nền tảng phát triển

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2015 | 2:25:13 PM

YênBái - YBĐT - Năm 2003, thị xã Nghĩa Lộ ra mắt xây dựng thị xã văn hóa. Sau 10 năm nỗ lực, Nghĩa Lộ đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Để phát huy những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch (VHDL) Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020.

Vòng đại xòe cổ.
(Ảnh: Hoàng Đô)
Vòng đại xòe cổ. (Ảnh: Hoàng Đô)

Đây là nhiệm vụ tất yếu, là giải pháp hữu hiệu thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 là đưa thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa du lịch trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ khu vực phía tây của tỉnh.

Nghĩa Lộ có lợi thế địa lý giao lưu kinh tế, xã hội, bản sắc văn hóa độc đáo  các dân tộc được gìn giữ, phát huy. Hơn nữa, với nhận thức xây dựng thị xã VHDL cũng để phục vụ mục tiêu xây dựng thị xã phát triển toàn diện, nên thị xã đã có bước triển khai khá bài bản thông qua xây dựng chương trình, kế hoạch cho cả giai đoạn và cụ thể theo từng năm với những nội dung sát thực: bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, xây dựng Đề án “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”…

Đồng chí Đỗ Quang Minh - Phó bí thư, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Bên cạnh những thuận lợi, khi bắt tay vào xây dựng thị xã VHDL, Nghĩa Lộ cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, xuất phát điểm còn thấp, đời sống của người dân khu vực sản xuất nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch còn thiếu, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng nhu cầu…

Trước những khó khăn đó, cùng với tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, thị xã xác định rõ những nhiệm vụ cần thực hiện như: xây dựng con người văn hóa, xác định nhóm chỉ tiêu về văn hóa, nhóm chỉ tiêu về du lịch, nhóm chỉ tiêu về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhóm chỉ tiêu thuộc lĩnh vực xã hội khác… nên đến nay, Đề án Xây dựng thị xã Văn hóa - Du lịch Nghĩa Lộ đã đạt được những kết quả khả quan - ông Minh cho biết thêm.

Thực hiện Đề án Xây dựng thị xã VHDL Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thị xã đẩy mạnh, quan tâm tuyên truyền và lồng ghép các chương trình về xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng con người văn hóa. Việc khai thác, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống được quan tâm như tổ chức thành công màn đại xòe Thái xác lập kỷ lục Việt Nam; tổ chức các lớp dạy chữ Thái; bảo tồn, khôi phục, mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với 6 điệu xòe Thái và các lễ hội truyền thống; khôi phục, bảo tồn kiến trúc nhà sàn, các món ăn dân tộc, nghề dệt thổ cẩm, các trò chơi dân gian và phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào; phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tại xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi có sức lan tỏa lớn về phong trào và hiệu quả kinh tế.

 Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ có 85% số hộ, 70% tổ dân phố, thôn, bản và 82% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa; củng cố, xây dựng 50 đội văn nghệ quần chúng, 5 câu lạc bộ thể dục, thể thao, tổ chức 12 lớp bảo tồn văn hóa truyền thống và có 2 xã không ma túy là Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, 79 tổ dân phố, thôn, bản không ma túy...

Để hoàn thành Đề án, trong thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ xác định lấy xây dựng thị xã văn hóa làm cốt lõi, nền tảng để phát triển. Theo đó, Nghĩa Lộ tập trung bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng con người văn hóa, thân thiện, hiếu khách, quy hoạch mới khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch phía Đông - Bắc thị xã (theo tuyến đường ven suối Thia, các điểm đấu nối đường tránh quốc lộ 32, khu vực đồi Pú Lo...); tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng mô hình du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa An, xã Nghĩa Lợi và một số vị trí có lợi thế; xây dựng thương hiệu du lịch Mường Lò theo hướng du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nông nghiệp ...; liên kết tạo các tua, tuyến du lịch với các xã thuộc các huyện phía tây của tỉnh và các tỉnh lân cận; quy hoạch xây dựng 5 làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá; phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho hoạt động du lịch…

Thành Trung