Hội chứng lạm dụng điện thoại di động

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/10/2015 | 10:32:24 AM

YênBái - YBĐT - Bước vào một quán ăn bên lề đường ở thành phố Yên Bái, chúng tôi cảm thấy lạc lõng khi giữa một dãy bàn khoảng hơn chục cái, ở đó, gần chục con người đang ngồi ăn và bấm điện thoại. Khi phát minh ra điện thoại, con người muốn thế giới mà họ đang sinh sống xóa bỏ khoảng cách địa lý để xích lại gần nhau hơn bằng phương tiện và công nghệ. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, giờ đây điện thoại đang làm mọi người xa nhau hơn.

Các bạn trẻ sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi.
Các bạn trẻ sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi.

Bà Phúc nay 70 tuổi. Hơn nửa đời người, bà đã hết lòng vì con cái, giờ đây ở tuổi gần đất xa trời, con cháu yên bề gia thất, bà mới được nhàn nhã, thư thái. Chồng mất sớm, một mình bà lo cho con được học hành có việc làm nhưng các con bà đều công tác xa. Mỗi năm về hai, ba lần, vào những dịp lễ, tết, bà cùng con cháu quây quần trong ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng nói cười. Mới đây, bà được con mua tặng chiếc điện thoại di động, rồi lập cho bà địa chỉ Facebook để bà tiện liên lạc, theo dõi hình ảnh, các hoạt động của con cháu.Từ khi có điện thoại, bà thấy cũng vui vì ngoài việc gọi điện, được xem những hình ảnh, những suy nghĩ, được biết những thông tin về con cháu cho thỏa nỗi nhớ. Ở nhà một mình buồn, bà cũng thường xuyên lên mạng đọc báo, nghe hát chèo trên điện thoại cho vơi bớt nỗi cô quạnh của tuổi già. Dịp rằm tháng 7, con cháu vẫn về đông đủ nhưng chỉ khác với mọi lần trước là sau bữa cơm tối đại gia đình thường quây quần chuyện trò ríu rít, thì lần này mỗi người ôm một cái điện thoại di động rồi mải mê chìm vào thế giới riêng của mình, không ai nói chuyện với ai. Ngay cả bé Ti mới một tuổi, cũng phải có điện thoại xem quảng cáo mới chịu ăn. Bà Phúc nhận thấy có điều gì đó không ổn từ những chiếc điện thoại mang nhiều tính năng này.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái tâm sự:  “Sau một ngày làm việc mệt nhọc, chị về nhà với hàng đống công việc không tên. Chồng chị từ khi sắm được chiếc điện thoại mới đi làm về không đỡ đần việc nhà như trước nữa mà vội vàng tắm rửa, thay quần áo rồi nằm dài ra ghế mải mê lướt web, chơi game, lên Facebook, mặc chị lo dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, tắm rửa cho con, cho con bé ăn, kèm con lớn học, giặt giũ quần áo, rửa bát… Một ngày mệt mỏi của chị thường kết thúc vào lúc 11 giờ đêm. Vợ chồng chị đã không ít lần cãi vã, dẫn tới bất hòa, mâu thuẫn cũng chỉ vì chiếc điện thoại di động”. Bạn Lê Quỳnh Trang - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái thì bảo, sở dĩ thích dùng điện thoại là vì rất thích cập nhật Facebook, thích kết bạn qua Facebook và mua hàng online.

Những chiếc điện thoại di động đời mới với những tính năng vượt trội đã và đang ngày càng được cải thiện, nâng cấp giúp con người được kết nối với thế giới mọi lúc, mọi nơi, nên không có gì ngạc nhiên khi nó đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Cũng qua điện thoại, thế giới xung quanh hiện ra vô cùng hấp dẫn, phong phú.

Ngoài việc giúp liên lạc trong công việc, điện thoại di động còn giúp kết nối với người thân, bạn bè thông qua mạng xã hội, nghe nhạc, đọc báo, chụp ảnh, xem lại các chương trình truyền hình. Nhưng điều đáng nói là ngày càng có nhiều người bị lệ thuộc vào điện thoại, nhất là giới trẻ. Không khó để bắt gặp hình ảnh những tốp bạn mặc dù họ đi cà phê cùng nhau nhưng trên tay mỗi người là một chiếc điện thoại và họ cứ mải mê "vuốt", "lướt" mà chẳng hề để ý đến nhau.

Hiện nay, không riêng trẻ em mà người lớn cũng bị điện thoại di động cám dỗ. Tình trạng này đến mức báo động và khoa học thế giới đã có tên gọi cho hội chứng bất an khi không tiếp xúc với điện thoại là Nomophobia viết tắt của no - mobile - phone phobia, tạm dịch: Nỗi ám ảnh vì không có điện thoại di động.

Các nhà tâm lý học cho rằng, hội chứng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người trẻ tuổi. Triệu chứng của nomophobia bao gồm cảm giác lo sợ hoặc tuyệt vọng khi bạn tách rời chiếc điện thoại, không thể tập trung vào các cuộc hội thoại hoặc công việc mà liên tục kiểm tra thông báo mới trên điện thoại. Thực tế cho thấy, những chiếc điện thoại di động với nhiều tính năng thông minh vượt trội kết nối với Internet hiện nay, ngoài những tiện ích mang lại thì đang là những tác nhân làm con người ngày càng lãnh cảm hơn với cuộc sống thực, với những người xung quanh.

Nhiều người phụ thuộc vào điện thoại đến nỗi không còn thời gian, sức khỏe, tinh thần và sự minh mẫn cần thiết để thực hiện các công việc khác, thậm chí dẫn đến những phản xạ tâm lý như cáu kỉnh với những người xung quanh… Cũng đã có không ít trường hợp xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, đi xe đạp, xe máy và cả ô tô chỉ vì vừa tham gia giao thông vừa mải mê với chiếc điện thoại.Vì vậy, để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc cần định hướng, giáo dục, kiểm soát thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm công nghệ đúng mục đích, tránh bị cám dỗ bởi những trào lưu xấu trên mạng Internet. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể xã hội cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng mềm, từ đó, định hướng cho các bạn trẻ lối sống lành mạnh…

Thu Hiền