Phát huy y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/10/2015 | 4:14:56 PM

YênBái - YBĐT - Hiện nay, việc khám chữa bệnh (KCB) bằng y dược học cổ truyền (YDHCT) chiếm một tỷ lệ tương đối trong hoạt động KCB nói chung của ngành y tế tỉnh. Ở tuyến tỉnh, có Bệnh viện YDHCT, là địa chỉ KCB thường xuyên của đông đảo bệnh nhân. Các bệnh viện đa khoa huyện, thị, thành phố đều có khoa y học cổ truyền hoặc tổ YDHCT.

Thăm khám, điều trị bằng y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.
Thăm khám, điều trị bằng y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Các phòng khám đa khoa khu vực đều có bộ phận KCB bằng YDHCT. Tại các trạm y tế xã, phường đều có cán bộ kiêm nhiệm hoặc hội viên hội đông y phối hợp tham gia chẩn trị YDHCT. Ngoài ra, còn có các phòng chẩn trị YDHCT tư nhân và gần 500 ông lang, bà mế trên địa bàn toàn tỉnh tham gia vào hoạt động chẩn trị. Nhìn chung, hoạt động KCB, chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân theo hướng đa khoa đông y trong những năm qua đạt kết quả cao, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh bằng đông y của nhân dân, nhất là góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.

Theo thống kê hàng năm, tổng số người được KCB bằng đông y chiếm 13,4% tổng số người được KCB trong toàn tỉnh. Nhiều phương pháp chữa bệnh dùng thuốc và không dùng thuốc đã được các cấp hội và hội viên Hội Đông y tỉnh áp dụng chữa bệnh cho nhân dân ngày càng có kết quả cao, nên được nhân dân tín nhiệm.

Để phục vụ tốt việc CSSK nhân dân bằng YDHCT, việc kế thừa, ứng dụng YDHCT, phát huy thế mạnh các bài thuốc, kinh nghiệm dân gian và gia truyền là vô cùng quan trọng. Vì vậy, hoạt động này rất được Hội Đông y tỉnh chỉ đạo hội cơ sở chú trọng thực hiện. Hàng năm, các cấp hội đều tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm về các môn thuốc, bài thuốc và kinh nghiệm chữa bệnh độc đáo của các dân tộc. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã tổ chức được 5 hội thảo cấp huyện, 1 hội thảo cấp tỉnh phản hồi sau điều tra tiềm năng cây thuốc, bài thuốc tại huyện Yên Bình.

Qua hội thảo, các hội viên có dịp để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, nâng cao kiến thức chuyên môn; các bài thuốc, cây thuốc được đưa vào nghiên cứu và lựa chọn để ứng dụng phục vụ lâu dài CSSK bằng YDHCT. Việc kế thừa, ứng dụng YDHCT còn được Hội Đông y tỉnh thực hiện bằng tuyên truyền gìn giữ những bài thuốc hay, những kinh nghiệm quý, hiến kế, điều tra, sưu tầm và tư liệu hóa lại các bài thuốc, kinh nghiệm chẩn trị bằng YDHCT.

Công tác bảo tồn, phát triển các cây thuốc bản địa, nguồn dược liệu tại địa phương cũng rất được quan tâm. Hội Đông y tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tăng cường phát hiện, sưu tầm, phát triển nguồn dược liệu của các địa phương; xây dựng kế hoạch, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu hiện có của tỉnh; phát triển mạnh các loại dược liệu sở trường của các thầy thuốc đông y của từng vùng; lập bản đồ dược liệu của tỉnh, nhằm không để mất đi một cây thuốc quý nào. Đồng thời, Hội cũng tích cực bồi dưỡng kiến thức thuốc nam cho đội ngũ cán bộ, hội viên để có nhiều thầy thuốc hiểu biết về cây thuốc, vị thuốc hiện có ở từng địa phương.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Đông y tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong, ngoài tỉnh, các trung tâm y tế, hội đông y các huyện, thị tổ chức các đợt điều tra nghiên cứu cây thuốc và tiềm năng phát triển nguồn dược liệu tại tỉnh như: Điều tra nghiên cứu tại 4 xã vùng cao huyện Mù Cang Chải (Nậm Khắt, Mồ Dề, Púng Luông, La Pán Tẩn), 2 xã của huyện Văn Chấn (Suối Giàng và Đồng Khê), 3 xã của huyện Yên Bình (Tân Hương, Bảo Ái, Cảm Ân) và 3 xã của huyện Văn Yên (Mậu Đông, Đông Cuông, Đông An). Qua điều tra nghiên cứu đã vẽ được bản đồ cây thuốc nam một số vùng dược liệu phục vụ cho kế hoạch phát triển, bảo tồn cây thuốc. Sau điều tra khảo sát đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững, xây dựng được một dự án đề xuất "Bảo tồn và phát triển cây thuốc và bài thuốc truyền thống để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái". 

Cùng đó, để mọi người dân có thể CSSK bản thân và gia đình theo những bài thuốc dân gian đơn giản, Hội thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn trồng, sử dụng thuốc nam trong hội viên, cộng đồng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về YDHCT. Một số dự án khoa học đã được Hội phối hợp thực hiện như: Dự án “Bảo tồn, phát triển cây thuốc và bài thuốc truyền thống để cải thiện sinh kế, sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”; Dự án “Phát triển, bảo tồn các bài thuốc dân tộc và nguồn cây thuốc bản địa tại xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình”; triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu tiềm năng cây thuốc nam bản địa và trồng cấy thử nghiệm một số loài nhằm phát triển nguồn dược liệu góp phần phát triển kinh tế” tại 3 xã huyện Văn Yên. Mới đây, Hội đã và đang triển khai đề tài khoa học “Sưu tầm, đánh giá thực trạng cây thuốc nam bản địa và các bài thuốc gia truyền trên địa bàn tỉnh Yên Bái và xây dựng vườn thuốc nam của trạm y tế xã tại các huyện Yên Bình, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ”.

Mục tiêu theo kế hoạch hành động của tỉnh nhằm thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển YDHCT đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 đặt ra là tỷ lệ KCB bằng YDHCT tuyến tỉnh năm 2020 đạt 20%; tuyến huyện đạt 25%; tuyến xã đạt 30%. Những nỗ lực này của Hội Đông y tỉnh nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu này, tiếp tục phát huy những giá trị y học cổ truyền trong sự nghiệp CSSK nhân dân.

Hạnh Quyên