Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên thực hiện tốt các chính sách dân tộc

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/10/2015 | 9:56:35 AM

YênBái - YBĐT - Hiện nay, huyện Văn Yên có 11 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trong đó có 3 trường tiểu học, 7 trường THCS, 1 trường tiểu học và THCS. Trong những năm học qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD - ĐT) huyện luôn chỉ đạo quyết liệt huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, đặc biệt là đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Cơ sở vật chất tại các trường PTDTBT ở Văn Yên đã đáp ứng tốt yêu cầu ăn, ở, học tập của học sinh bán trú.
Cơ sở vật chất tại các trường PTDTBT ở Văn Yên đã đáp ứng tốt yêu cầu ăn, ở, học tập của học sinh bán trú.

Kết quả thực tế về chất lượng học tập của học sinh hàng năm thông qua tỷ lệ học sinh khá giỏi năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ huy động học sinh dân tộc trong độ tuổi ra lớp đạt 99,7%... Qua đó, đã thể hiện rõ sự chỉ đạo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của Phòng GD - ĐT huyện Văn Yên với sự nghiệp giáo dục, nhất là với các trường có nhiều dân tộc và đông học sinh dân tộc ít người.

Để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc, Phòng GD - ĐT đã tập trung vào các giải pháp chính: chọn giáo viên có nhiều kinh nghiệm, biết giao tiếp tiếng dân tộc để dạy các lớp 1, lớp 2; mở lớp bồi dưỡng giao tiếp bằng tiếng dân tộc cho giáo viên tiểu học và mầm non; tổ chức chuyên đề dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa; tổ chức chuyên đề dạy lớp ghép có nhiều học sinh dân tộc của cấp học mầm non.

Theo đó, từ năm học 2012 - 2013 đến nay, Phòng GD - ĐT huyện Văn Yên đã mở 4 lớp tiếng Dao cho 125 giáo viên mầm non và giáo viên trường PTDTBT; mở 2 lớp bồi dưỡng tiếng Mông cho 46 giáo viên mầm non và tiểu học dạy ở các thôn bản có đông học sinh dân tộc Mông... Cùng với đó, Phòng đã chỉ đạo các trường có nhiều học sinh dân tộc đảm bảo chất lượng dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; tổ chức dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc trước khi vào học lớp 1 và cho học thêm tiếng Việt vào buổi 2, nhất là các lớp tiểu học.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng được đặc biệt chú trọng thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên. Công tác quản lý và thực hiện chế độ, chính sách giáo dục dân tộc được quan tâm. Do đó, các trường PTDTBT đều thành lập tổ đời sống để hướng dẫn học sinh ăn, ở và học tập; thực hiện chi trả đầy đủ chế độ, chính sách đối với học sinh theo Quyết định số 85/2010-TTg và Quyết định 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ vậy, tỷ lệ duy trì và đi học chuyên cần của học sinh dân tộc tại các trường PTDTBT trên địa bàn huyện ngày càng cao hơn, đều hơn; hiện tượng bỏ học giảm hẳn; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên và từng bước rút ngắn khoảng cách so với các trường vùng thấp.      

Hồng Vân