Tay trắng dựng cơ đồ

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/10/2015 | 3:13:56 PM

YênBái - YBĐT - Bằng bàn tay, trí óc, sự cần cù, năng động của bản thân, ông Hoàng Văn Cát ở thôn Ngòi Kèn, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên đã vươn lên làm giàu với mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập trên 200 triệu đồng một năm.

Ông Hoàng Văn Cát (bên trái) thành công với mô hình nuôi ong lấy mật.
Ông Hoàng Văn Cát (bên trái) thành công với mô hình nuôi ong lấy mật.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Lục Yên và Chủ tịch Hội Nông dân xã Liễu Đô, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình hội viên Hoàng Văn Cát. Dáng người dong dỏng, hơi gầy của ông đã toát lên được sự vất vả, lam lũ của ông sau bao năm miệt mài gây dựng cơ đồ.

Dẫn chúng tôi thăm hệ thống chuồng trại nuôi lợn hàng trăm con, ông Cát chia sẻ: "Mình là nông dân ở miền núi còn gặp nhiều khó khăn thì chăn nuôi lợn là hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện của gia đình, tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ trồng màu, hiệu quả cao hơn so với chăn nuôi các loại gia súc khác".

Ngay từ khi bắt tay vào chăn nuôi lợn, ông Cát luôn trăn trở làm sao để được mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu, từ nuôi nhỏ lẻ vài ba con, dần dần, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, chọn giống phù hợp. Nhờ ham học hỏi, chịu khó học tập kinh nghiệm của những người đi trước, trung bình mỗi năm, ông cho xuất chuồng 3 lứa lợn thương phẩm với trọng lượng từ 15 - 20 tấn, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhiều thương lái trong huyện và các tỉnh lân cận như Lào Cai, Hà Giang… đã đến mua lợn của gia đình ông.

Song song với đó, từ vài trăm mét vuông ao, ông mạnh dạn mở rộng lên tới hàng nghìn mét vuông, tập trung chăn nuôi các loại cá như: rô phi, trôi, trắm… Mỗi năm, bán một lần được hơn 6 tạ, thu về trên 30 triệu đồng. Dám nghĩ, dám làm, thấy ở nhiều nơi trong huyện thành công với mô hình nuôi dê, năm 2012, ông mua 10 con dê giống về chăn thả ở diện tích đồi rừng hiện có của gia đình. Sau gần 3 năm thử nghiệm, gia đình ông cũng thu về khoảng 10 triệu đồng từ bán dê thương phẩm cho các nhà hàng trong huyện.

Nhận thấy vườn của gia đình nhiều cây cối, nhiều loại hoa, qua học hỏi sách báo, ti vi, ông mạnh dạn "thử sức" nuôi ong mật. Từ khâu chọn giống đến làm đõ ông đều tự tìm tòi, và đã làm ra hơn 20 đõ. Mỗi năm, cho bán khoảng 100 kg mật, giúp ông thu về được gần 10 triệu đồng. Qua hạch toán, mỗi năm, trừ chi phí, từ chăn nuôi tổng hợp, gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Cát còn là tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua của Hội, của thôn. Ông tích cực giúp đỡ cây, con giống, kinh nghiệm chăn nuôi cho người dân. Ông Đỗ Tràng Vũ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liễu Đô khẳng định: "Trên địa bàn xã có nhiều hội viên nông dân làm kinh tế giỏi nhưng điển hình là hội viên Hoàng Văn Cát. Đây là hội viên tiêu biểu để chúng tôi tuyên truyền, vận động tới các chi hội cùng học tập, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng sôi nổi, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày một vững mạnh".

Gia đình ông Cát đã trở thành một địa chỉ của nhiều hộ nông dân trên địa bàn đến thăm quan và học tập. Ông xứng đáng là điển hình tiên tiến với ý chí, nghị lực vượt khó trong phát triển kinh tế, là tấm gương nông dân mới trên chặng đường mới.

Khắc Điệp