Động lực Yên Thành

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/11/2015 | 3:09:51 PM

YênBái - YBĐT - Yên Thành là một xã xa xôi và khó khăn của huyện Yên Bình. Đời sống của người dân dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng. Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, địa phương đã có bước phát triển vượt bậc, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước cải thiện. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng bộ xã Yên Thành tiếp tục phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đề ra tại Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Nhờ phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ dân xã Yên Thành đã có thu nhập ổn định.
Nhờ phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ dân xã Yên Thành đã có thu nhập ổn định.

Nói về những thành quả nổi bật thời gian qua, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thành - đồng chí Bàn Văn Thắng phấn khởi cho biết: "Nhiệm kỳ 2015 - 2020 có ý nghĩa quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), lãnh đạo nhân dân thâm canh tăng vụ với diện tích 32,54 ha, tranh thủ nước hồ Thác Bà cạn canh tác thêm từ 7 - 10 ha ruộng dưới cốt 58. Cùng với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo bà con nhân dân trồng từ 10 - 15 ha ngô đông, tận dụng soi bãi khi nước hồ Thác Bà cạn để trồng các loại cây màu có kinh tế cao như lạc, dưa hấu, đậu đỗ các loại. Phong trào XDNTM trở lên sôi nổi. Tại nhiều thôn, người dân tự đóng góp tiền, ngày công lao động để tu sửa đường giao thông nông thôn. Đến nay, xã đã đạt được 5/19 tiêu chí về XDNTM".

Xác định lấy nông, lâm nghiệp là hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, những năm gần đây, các hộ dân trong xã đã không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn; tích cực thâm canh tăng vụ, sử dụng giống mới vào sản xuất nên đời sống của nhân dân không ngừng nâng lên. Hiện, toàn xã có 26 ha rừng khoanh nuôi. Đối với rừng sản xuất, xã chỉ đạo vận động nhân dân khắc phục khó khăn về vốn để trồng rừng, hàng năm trồng từ 70 - 80 ha. Nguồn thu từ rừng mỗi năm đạt trên 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho người dân vay vốn, phát triển chăn nuôi. Đến nay, xã có 1.003 con trâu, 74 con bò, 2.752 con lợn, riêng đàn lợn có hộ nuôi từ 70 - 100 con lợn thịt/năm. Ngoài ra, bà con còn tận dụng ao hồ chăn thả cá, khai thác thủy sản trên hồ hàng năm ước đạt sản lượng trên 32 tấn tôm, cá.

Để đạt được kết quả cao trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, những năm qua, xã luôn chú trọng phối hợp với các ngành chức năng của huyện để triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho bà con nông dân. Đồng chí Nguyễn Văn Yên -  Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Bảo vệ thực vật của huyện tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân. Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm, phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại các chuồng trại nên hạn chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

5 năm qua, xã đã mở được 72 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 2.160 lượt người tham gia học tập. Việc cơ giới hóa sản xuất cũng đã có bước phát triển. Toàn xã hiện đã có 127 máy cày bừa, 20 máy tuốt lúa, 28 máy xay xát, 56 máy bơm nước, 23 thuyền máy và một số thiết bị khác phục vụ sản xuất như máy cưa, máy xẻ, máy ép gạch bê tông, ô tô vận chuyển hàng hóa, phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp".
Từ thực tế của địa phương, Đảng bộ xã quyết tâm lãnh đạo đột phá trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới: phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 69,3 tỷ đồng; thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 125 triệu đồng; diện tích gieo trồng cây hàng năm 243,5 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 334 tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt 335,3 tấn...

Để hoàn thành mục tiêu trên, Đảng bộ xã tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo và điều hành, khai thác, phát huy tốt tiềm năng trong dân, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, vận động những hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi thủy sản bằng hình thức nuôi cá lồng hoặc quây lưới trên ngách hồ Thác Bà; tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn vay vốn ưu đãi; thực hiện tốt các chính sách và giải pháp hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp; thường xuyên củng cố hoạt động tín dụng trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu được vay vốn...

Quang Thiều