Quan tâm hơn nữa tới giáo dục vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/11/2015 | 8:27:59 AM

YênBái - YBĐT - Thời gian qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng: quy mô, mạng lưới trường, lớp học từng bước được quy hoạch, sắp xếp ổn định và hiệu quả; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được quan tâm, bố trí hợp lý; cơ sở vật chất trường lớp học được tăng cường, từng bước hiện đại; chất lượng giáo dục có những chuyển biến rõ rệt.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, với điều kiện cụ thể của địa phương, phát triển sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, chất lượng giáo dục và chất lượng phổ cập giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu tính bền vững, đời sống của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn gặp khó khăn, nhất là ở vùng cao…

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, bên cạnh tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng các nghị quyết, đề án phát triển GD&ĐT giai đoạn 2015 - 2020, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường công tác phối hợp trong quản lý và triển khai các nhiệm vụ phát triển GD&ĐT… ngành GD&ĐT cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Theo đó, cần rà soát lại quy mô mạng lưới trường, lớp học, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, nâng cao chất lượng các điều kiện phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh bán trú; nâng cao chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó tập trung đảm bảo chất lượng tuyển sinh, chú trọng chất lượng giáo dục mũi nhọn ở 2 trường dân tộc nội trú cấp trung học phổ thông; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, vận động học sinh trong độ tuổi đến trường, có giải pháp quyết liệt chống bỏ học; chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, tăng dần tỷ lệ giáo viên người dân tộc, người địa phương, nhất là các trường dân tộc nội trú, bán trú. Đổi mới phương pháp giáo dục đặc thù đối với các trường vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; đổi mới kiểm tra, đánh giá, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp phù hợp với lứa tuổi học sinh và gắn với cuộc sống văn hóa tinh thần ở địa phương.

Với giáo dục mũi nhọn, cần tiếp tục đầu tư cho cơ sở giáo dục chuyên, huy động các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn ở thành phố, thị trấn và các xã vùng I, phấn đấu 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia trước năm 2020. Đặc biệt, cần quan tâm, huy động, ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực, trong đó tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, đồ dùng giảng dạy, học tập theo hướng hiện đại, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và học sinh giỏi các cấp…

Tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, ngành GD&ĐT sẽ khẳng định vai trò quan trọng, chủ động của mình trong thực hiện nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong giai đoạn mới.

Khánh Linh