Văn Yên: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2015 | 3:12:42 PM

YBĐT - Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tăng năng suất lao động cho LĐNT.

Giờ thực hành nghề may tại xã Viễn Sơn (Văn Yên).
Giờ thực hành nghề may tại xã Viễn Sơn (Văn Yên).

Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên có chức năng đào tạo sơ cấp nghề; bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo yêu cầu của người lao động; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; giới thiệu việc làm sau đào tạo, góp phần nâng cao nguồn nhân lực có tay nghề tại địa phương...

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, những năm qua, Trung tâm đã khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Để thu hút học viên học nghề, hàng năm, Trung tâm chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách về đào tạo nghề, tư vấn chọn nghề, khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề, từ đó áp dụng các hình thức tổ chức lớp học cho phù hợp.

Để đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy, Trung tâm tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các nhà quản lý, kỹ sư nông nghiệp, để biên soạn 5 bộ giáo trình giảng dạy theo tiêu chí: đơn giản, dễ đọc, đễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với khả năng tiếp thu. Điển hình như giáo trình về chăn nuôi lợn và kỹ thuật trồng lúa; giáo trình về kỹ thuật trồng nấm và nghề chế biến gỗ rừng trồng; giáo trình đào tạo nghề LĐNT.

5 năm qua, Trung tâm đã tổ chức tuyển sinh đào tạo 90 lớp với 2.611 học viên, hoàn thành 100% kế hoạch giao. Trong đó, nghề phi nông nghiệp có 17 lớp với 499 học viên và ngành nghề đào tạo gồm: chế biến gỗ rừng trồng, kỹ thuật nấu ăn, may mặc, điện dân dụng và may công nghiệp. Nghề nông nghiệp có 73 lớp, 2.112 học viên với các nghề: kỹ thuật trồng lúa, trồng nấm, chăn nuôi - thú y, nuôi cá, nuôi ong mật, sản xuất rau an toàn…

Ông Nguyễn Hùng Thịnh - Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm có 48 cán bộ, nhân viên, trong đó 16 người trực tiếp tham gia giảng dạy thì 12 người có trình độ đại học, 4 người trình độ cao đẳng. Chúng tôi luôn xác định, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm để người giảng dạy phải có trình độ chuyên môn sâu, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng. Chú trọng thực hành dưới hình thức “cầm tay chỉ việc”. Dạy lý thuyết đến đâu, hướng dẫn thực hành đến đó. Trung tâm còn chủ động mời giáo viên của Trường Cơ khí Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trường Cao đẳng nghề Yên Bái cùng tham gia giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và bổ sung kỹ năng dạy nghề cho giáo viên của Trung tâm”.

Thăm lớp học may tại xã Viễn Sơn, bà Đào Thị Huệ - Kỹ sư công nghệ may cho biết: “Lớp có 35 học viên, chương trình học 3 tháng. Các học viên ở đây tiếp thu khá tốt và rất chịu khó học. Để các học viên may hoàn chỉnh tốt được một cái áo hay quần, thời gian giảng dạy đối với các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc phải cần tới 90 ngày thì học viên mới có thể mở hiệu hành nghề”.

Học viên Bàn Thị Mùi, thôn Khe Dứa, cho biết: "Em thấy nghề may mặc rất phù hợp với bản thân và em có nguyện vọng được vào làm việc ở một công ty may để có việc làm, thu nhập ổn định”. Các học viên của lớp học may này, hầu hết đều có nguyện vọng giống như Bàn Thị Mùi.

Đào tạo nghề cho LĐNT là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội việc làm, tăng năng suất lao động, từng bước nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề hiện nay cũng đòi hỏi những yêu cầu cao của thị trường lao động về tay nghề và kỹ năng mềm như: tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ nhóm - đây là yêu cầu mà Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên đang đặc biệt quan tâm trong quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế hiện nay.

Thái Hưng