Triệu phú cam sành

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/11/2015 | 3:02:44 PM

YBĐT - Với 4 ha cam đang vào kỳ thu hoạch, vụ cam vừa qua, anh Trịnh Văn Hưng, thôn 6, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên thu về ngót nghét 1 tỷ đồng. Năm nay, thị trường cam mặc dù gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nhưng nhờ chăm sóc tốt, đặc biệt không lạm dụng các loại hóa chất trong chăm sóc và bảo quản cam nên vẫn có rất nhiều khách hàng tìm đến tận vườn.

Anh Trịnh Văn Hưng giới thiệu về giống cam sành Lục Yên. 
(Ảnh: Văn Tuấn)
Anh Trịnh Văn Hưng giới thiệu về giống cam sành Lục Yên. (Ảnh: Văn Tuấn)

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, năm 1994, sau khi lấy vợ và ra ở riêng, vợ chồng anh được chia 720 m2 ruộng nước và 4 ha đất đồi. Thời gian đầu, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, ruộng nước không đủ ăn, đất đai rộng nhưng không tìm được loại cây trồng phù hợp. Năm 2004, sau khi tham khảo nhiều nơi, cùng với sự tư vấn của bạn bè, anh nhận thấy cây cam sành khá phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ở Khánh Hòa, chăm sóc cũng đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật quá khó và vốn đầu tư lớn.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, anh Hưng vấp phải nhiều khó khăn từ kỹ thuật trồng, chăm sóc, giống… Những năm đầu, cam không đem lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất, sản lượng thấp, giá rẻ. Năm 2008, người dân đua nhau chặt bỏ cam thay thế bằng những loại cây trồng khác, thương hiệu cam sành Lục Yên gần như không còn. Tuy nhiên, anh Hưng và một số hộ trồng cam lâu năm khác vẫn kiên trì chăm sóc và tin rằng, cây cam vẫn là cây mang lại hiệu quả kinh tế.

Anh tâm sự: “Khi bắt tay đầu tư vào việc cải tạo lại khu đồi rừng để trồng cam, gia đình còn nhiều băn khoăn. Nếu không chăm sóc cẩn thận, phòng trừ sâu bệnh đúng cách thì cam sẽ cho năng suất, chất lượng thấp. Lúc đó, lãi chưa thấy đâu, lại thiệt hại thêm về kinh tế. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên gia đình vừa trồng vừa học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau 4 năm vất vả chăm bón, đầu tư tiền của, vườn cam của gia đình cũng bắt đầu cho thu hoạch”.

Từ năm 2009, anh Hưng đầu tư nhiều hơn cho cây cam, mở rộng diện tích từ 2 ha lên 4 ha. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn của cán bộ khuyến nông, anh xây dựng một quy trình trồng, chăm sóc cam riêng biệt. Vấn đề khó khăn nhất là giống, anh tìm đến những vùng đất nổi tiếng về cam sành Lục Yên trước đây như Tân Lĩnh, Mường Lai để lấy giống. Trước khi trồng 1 tháng, anh dọn sạch cỏ, cày lật phơi đất 15 ngày, chia lô, chia lô, rạch hàng, đào hố, bón lót phân chuồng, lấp hố trước khi trồng 15 ngày. Cam được trồng theo hàng cách nhau 5 - 6 m. Quá trình cây phát triển phải tưới nước đầy đủ, phòng trừ sâu, bệnh thường xuyên, cắt tỉa bỏ những cành bị sâu, bệnh hại.  

Nhờ chăm sóc tốt, vườn cam của anh Hưng cây nào cây ấy cũng trĩu quả, cây to thu 2 - 3 tạ quả. Năm 2013, sau khi trừ chi phí anh Hưng thu về 910 triệu đồng; năm 2014 cũng không dưới 1 tỷ đồng. Anh Hưng cho biết: “Bằng việc không ngừng học tập, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào từng giai đoạn phát triển của cam nên năng suất mỗi năm một tăng. Đặc biệt, trong khi thu hoạch không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất bảo quản nào và tuân thủ đúng các quy định về an toàn thực phẩm nên giữ được uy tín, khách hàng thường đến tận nhà đặt hàng”.

Hiện nay, xã Khánh Hòa có khoảng 30 hộ có từ 100 gốc cam trở lên; trong đó, không ít chủ vườn có diện tích lớn mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng. Khánh Hòa là địa phương duy nhất của Lục Yên còn giữ được vùng cam với diện tích 70 ha và có thể tiếp tục phát triển lên vài trăm héc-ta. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra mục tiêu phát triển diện tích cam lên 500 ha - đây là cơ hội để những người trồng cam ở Khánh Hòa vươn lên làm giàu.

Anh Dũng