Quốc hội, các bộ, ngành trả lời ý kiến cử tri

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/12/2015 | 3:41:54 PM

YBĐT - Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét, có chế tài xử phạt đủ mạnh để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình ở vùng cao như: tảo hôn, sinh con thứ 3, hôn nhân cận huyết thống”.

Trả lời:

- Đối các hành vi vi phạm liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các vùng cao: hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Cụ thể là: - Xử phạt từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn (Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP); - Xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (Điểm d, Khoản 1, Điều 48, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP).

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi nói trên tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đều đã được điều chỉnh tăng gấp nhiều lần so với mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm tương ứng được quy định tại Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình (Điều 6 và Điểm c, Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 87/2001/NĐ-CP).

Đặc biệt, so với điều kiện kinh tế, xã hội, mức thu nhập của người dân vùng cao thì mức xử phạt này cũng là tương đối cao. Hơn nữa, Bộ Tư pháp thấy rằng, việc nâng chế tài xử phạt vi phạm hành chính không phải là biện pháp giải quyết tối ưu và duy nhất đối các hành vi vi phạm liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các vùng cao.

Thực trạng này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người dân về pháp luật, về y tế cũng như những hủ tục, quan niệm lạc hậu của những người dân nơi đây. Vì vậy, để có thể giảm bớt tình trạng này, Bộ Tư pháp và các địa phương đang đẩy mạnh và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của người dân tại những vùng cao để họ hiểu rõ đây là những hành vi vi phạm pháp luật cũng như hiểu rõ những tác hại về sức khỏe, sự suy giảm giống nòi (cả về số lượng lẫn chất lượng) của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

- Về tình trạng sinh con thứ ba tại các vùng cao:
- Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm một trong những yêu cầu, đó là “Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”.

Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003, một trong những “quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản” là “sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Do Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 không quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân liên quan đến hành vi sinh con thứ ba nên Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (trong đó có vi phạm hành chính về dân số) cũng không đề cập đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sinh con thứ ba.    

B.T