Cần mạnh tay xử lý vi phạm trong kinh doanh vận tải hành khách ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2016 | 3:33:44 PM

YBĐT - Hiện, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có gần chục đơn vị tham gia kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, với gần 40 tuyến vận tải trong và ngoại tỉnh.

Cán bộ thanh tra giao thông kiểm tra xe khách trước khi xuất bến
Cán bộ thanh tra giao thông kiểm tra xe khách trước khi xuất bến

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã cơ bản chấp hành tốt quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trái phép, đi không đúng luồng tuyến, trả khách không đúng nơi quy định...

Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần chục đơn vị tham gia kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, với gần 40 tuyến vận tải trong và ngoại tỉnh. Để bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn, những năm qua, các ngành chức năng đã tăng cường giải pháp siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô như: phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải; kiểm tra sức khỏe lái xe; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...

Đặc biệt, trong những dịp cao điểm, nhất là trước, trong và sau tết Nguyên đán, ngành Giao thông - Vận tải (GTVT) thường xuyên chỉ đạo các đơn vị vận tải phải có sự chuẩn bị tốt về phương tiện và đội ngũ lái, phụ xe; kiên quyết không để cho lái xe uống rượu bia, chạy quá tốc độ, quá số giờ quy định.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải...

Từ những giải pháp trên, hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô đã cơ bản đi vào nề nếp; các vụ tai nạn, va chạm liên quan đến xe ô tô chở khách giảm hẳn...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc nhiều xe tăng giá vé, chở quá số người quy định, nhồi nhét khách trong dịp cao điểm vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, việc chạy chậm đón khách trong đô thị còn khá phổ biến, nhất là tình trạng chạy quá tốc độ khi về bến...

Trao đổi về tình trạng này, theo nhiều người, mật độ hành khách ở đầu tuyến Yên Bái khá ổn định nên hiện tượng nhồi nhét hành khách rất ít xảy ra. Ngược lại, lượng khách đầu về hay tăng đột biến do vậy tình trạng chở quá số người qui định vẫn còn xảy ra.

Tuy nhiên, do yếu tố tâm lý sợ nhỡ chuyến và không muốn phiền phức nên đa phần người dân đều đành lòng cho nhà xe nhồi nhét và tăng giá vé vào các dịp cao điểm. Bên cạnh đó, hiện nay, đa phần người dân khi có nhu cầu đi lại thường xuyên liên hệ nhà xe đến tận nhà đón hoặc chọn địa điểm thích hợp để đợi xe nên việc dừng đỗ, đón trả khách trong đô thị thường xuyên xảy ra...

Ông Phạm Duy Đốc - Phó giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thủy bộ Yên Bái cho biết: “Ngoài những nguyên nhân trên, hiện nay, tỉnh Yên Bái vẫn chưa hoàn thành biểu đồ chạy xe chi tiết các tuyến vận tải và công bố các điểm đón, trả khách nên tình trạng trên vẫn còn xảy ra”.

Giải quyết những tồn tại trên hướng tới bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo sự bình đẳng trong kinh doanh vận tải, thời gian tới, nhất là trong dịp cuối năm, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đối với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, ngành GTVT cần khẩn trương hoàn thành và công bố biểu đồ chạy xe chi tiết các tuyến đường vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh; công bố đưa vào khai thác các điểm đón trả khách cho các tuyến vận tải cố định.

Ông Mai Văn Bộ - Chánh Thanh tra GTVT (Sở GTVT) cho biết: “Lực lượng thanh tra giao thông đã chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện phương tiện ra, vào bến; tuyệt đối không cho xe xuất bến đối với những trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích hoặc lái xe không có trong lệnh vận chuyển của đơn vị vận tải; rà soát toàn bộ việc niêm yết tên tuyến, tên doanh nghiệp, giá vé, đăng ký chất lượng dịch vụ... trên phương tiện theo quy định; thực hiện ký hợp đồng phục vụ xe ra vào bến đầy đủ đối với đơn vị vận tải khi có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý tuyến ở cả hai đầu bến”.

Song song với những giải pháp trên, hiện nay, 100% các phương tiện vận tải hành khách đường dài cố định đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Do vậy, các lực lượng chức năng cần tăng cường theo dõi, giám sát để phát hiện và xử lý các nhà xe vi phạm qui định về vận tải hành khách.

Đặc biệt, các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp để tuần tra, kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định; chạy quá tốc độ trong đô thị hoặc nhồi nhét khách...

Có như vậy, hoạt động vận tải hành khách đường bộ trên các tuyến cố định mới dần đi vào ổn định, nề nếp; nhân dân mới đi lại thuận tiện, an toàn trong những ngày nghỉ Tết.

 Hùng Cường