Làm giàu từ sản xuất gạch, cống bê tông

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/1/2016 | 2:47:54 PM

YBĐT - Hơn 10 năm nay, gia đình ông Phạm Văn Đức ở thôn 9, xã Mậu Đông huyện Văn Yên đã áp dụng hiệu quả mô hình sản xuất gạch không nung (gạch bê tông) và cống bi. Không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giải quyết việc làm có thu nhập cho một số lao động địa phương.

Sản phẩm gạch bê tông của gia đình ông Đức.
Sản phẩm gạch bê tông của gia đình ông Đức.

Năm 2002, nhận thấy nhu cầu về vật liệu xây dựng, các loại cống  thoát nước ao hồ, cống phục vụ công trình giao thông của người dân ông Đức bàn bạc cùng gia đình rồi tìm hiểu về công nghệ sản xuất gạch bê tông và cách làm cống bi qua sách báo, đồng thời tham quan học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm tại một số cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Sau đó, ông quyết định vay vốn ngân hàng và người thân trong gia đình đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy ép gạch, máy trộn bê tông, khuôn đổ cống các loại kích thước cùng một số thiết bị khác.

Bằng những kinh nghiệm đã được học áp dụng vào thực tiễn, sản phẩm gạch bê tông, ống cống của cơ sở ông Đức sản xuất ra đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, khuôn cỡ hợp lý với giá cả hợp lý nên nhận được nhiều hợp đồng của khách hàng đặt mua sản phẩm xây dựng các công trình.

Thực tế, trong những năm đầu mới bắt tay tạo dựng cơ sở quy mô sản xuất còn nhỏ, lượng khách hàng hạn chế xong từ khi tạo được uy tín với khách hàng trong huyện, trong xã ông Đức đã cho mở rộng quy mô nhà xưởng với diện tích hơn 1.000 m2, ông cũng huy động các nguồn vốn đầu tư thêm máy ép gạch bê tông và khuôn đổ ống cống các kích cỡ, có đường kính từ 15 cm đến 120 m. Các sản phẩm làm ra đều được ông chú trọng cả về hình thức và chất lượng không ngừng khẳng định uy tín với khách hàng.

Ông Đức cho biết: “Việc sản xuất gạch, cống bê tông không sử dụng đất nông nghiệp, quy trình làm ra sản phẩm không sử dụng than, củi, tiết kiệm được nhiên liệu. Bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất gạch, cống bê tông sẵn có tại địa phương như cát, đá, xỉ vôi. Quá trình sản xuất không sinh ra chất gây ô nhiễm, chất thải độc hại, năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất chiếm phần nhỏ và sản phẩm làm ra đáp ứng tốt các tiêu chí về kỹ thuật cũng như kết cấu”.

Hàng năm trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất của ông Đức đạt doanh thu từ 300 đến 400 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ năng động trong cách nghĩ, cách làm gia đình ông Phạm Văn Đức từ hoàn cảnh khó khăn đã có thu nhập ổn định và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ tập trung vào sản xuất, ông Đức còn luôn quan tâm bảo đảm quyền lợi cho người lao động như trả lương đúng thời hạn, thăm hỏi, động viên kịp thời các dịp lễ tết hay gặp khó khăn, đau ốm...

Thêm nữa, ông còn nhiệt tình tham ra vào các hoạt động xã hội của địa phương, giúp đỡ các hộ nghèo trong xã, thôn; gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, thường xuyên giáo dục các con, cháu trong gia đình chăm ngoan, cần cù lao động, đoàn kết xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư, nhiều năm liền gia đình ông Đức đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”.

Vũ Đồng