Nhớ hội Thẳm Lé

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/4/2016 | 9:43:43 AM

YBĐT - Ai đã từng sống ở vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò những năm 1960, khi chưa có cuộc chiến tranh phá hoại, hẳn còn nhớ vào tháng Hai Âm lịch hàng năm có hội Thẳm Lé. Đây là hội lớn của cả vùng.

Vào ngày hội, thanh niên nam nữ các xã, trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, mới nhất đi chơi hội. Các cô gái trẻ mặc váy chàm, váy bằng vải xa tanh đen bóng, áo cỏm sắc màu sặc sỡ, hàng cúc bướm bạc sáng trước ngực, thắt lưng lụa xanh, lụa hồng, đeo dây xà tích bạc, vai đeo chiếc nón sơn vàng óng ánh rộng vành, người Thái gọi là “Cúp bửa” làm duyên. Đi hội, mọi người lũ lượt, hớn hở, tíu tít kéo qua phố, ra Dốc Đỏ, Ngòi Thia...

Còn phía ngoài Thẳm Lé, từ bao đời đã có những hiện vật, truyền thuyết làm tăng thêm ý nghĩa, thiêng liêng của ngày hội. Từ phố Nghĩa Lộ nhìn ra, núi Nước Chua đứng đó, có con trâu đá. Theo truyền thuyết, con trâu luôn quay xung quanh ăn cỏ. Năm nào trâu ăn tới hướng đâu, nơi đó mất mùa. Đuôi trâu ở hướng nào, nơi đó được bồi, được bón sẽ được mùa.

Gần đến Thẳm Lé thì có cây gạo, mùa xuân hoa bung nở đỏ sáng cả khoảng trời. Gần đó là cái cầu, có mỏ nước, có cây sung to mọc, nên có tên gọi “Cầu Bó Lứa””. (Bó: tiếng Thái là mỏ nước. Lứa: tiếng Thái là cây sung). Cây sung này to, cành lá sum suê, tạo bóng mát cho người đi đường xa đến nghỉ chân. Mỏ nước này lại trong, sạch như nước lọc, uống vào vừa mát vừa ngọt. Vì thế, người Thái đã có câu hát:

Ỉn Thẳm Lé bươn sao (chơi Thẳm Lé tháng Hai)
Táy khua dao hoong xủm (leo suối qua khe Nước Chua)
Củm kin nặm Bó Lứa van chưn (cúi đầu, tay múc nước Bó Lứa uống ngọt tuyệt).

Cây sung này cũng có huyền thoại: cây rất ít khi ra hoa. Ai đi hội, gặp hoa nở là gặp điều may mắn, người sẽ đẹp hẳn ra. Mọi người đi hội Thẳm Lé, chỉ một lần là nhớ cây sung, nhớ “Bó Lứa”, thành kỷ niệm không quên.

Trên đường vào hội Thẳm Lé, từng đôi trai gái hát giao duyên, đối đáp nhau. Ông Lò Văn Biến ở Cang Nà nói vui: “Cứ nghe tên gọi Thẳm Lé là biết hội”. Ông giải thích: “Thẳm” tiếng Thái là hang, còn “Lé” là liếc nhau, nhìn nhau. Trai gái đi hội, được nhìn ngắm nhau. Từng đôi, từng đôi nam nữ trẻ hát đối đáp nhau, tìm hiểu nhau, thổ lộ tâm tình với nhau, để rồi sau mùa hội, họ yêu nhau, cùng nhau ngồi trong hang tâm sự. Sau hội họ thành vợ thành chồng.

Còn những người đi hội khác thì thăm quan hang, khám phá hang. Hang này thì to rộng, sâu hun hút, nhiều tầng, lắm thứ kỳ thú. Trên vòm hang thì nhũ đá muôn hình, gặp ánh sáng thì long lanh. Vào sâu trong hang còn gặp suối chảy. Suối này chẳng biết nguồn nước từ đâu, chảy đi đâu? Giữa hang đá có suối nước chảy, sâu đến bắp chân, trong mát.

Ông Lò Văn Mắn, ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi thì kể: Thẳm Lé có tầng trên, tiếng Thái gọi là “Hỉnh Nang”. Xưa kia, tầng này chỉ dành cho con quan. Dân thường không được lai vãng, nên đến giờ “Hỉnh Nang” thế nào, ít người biết.

Người đến hội Thẳm Lé còn được lên rừng hoa ban, mùa này hoa nở trắng muốt, ngan ngát khắp quanh hang. Theo một số người: Ngày nay, nhiều người ở Than Uyên, Sơn La, Điện Biên còn nhớ hội Thẳm Lé, ao ước có Thẳm Lé.

Cũng thật tiếc, một di tích, thắng cảnh quý giá như vậy, nay không còn hội, hang đã dùng vào việc khác, nghe đâu là đã làm kho. Viết bài này, người viết chỉ mong có một tiếng nói nhỏ bé để tỉnh, địa phương biết. Mong gì, Thẳm Lé lại về với vị trí vốn có của nó.

Trần Cao Đàm (Tổ 25, phường Yên Thịnh, TP Yên Bái)