Khu, cụm công nghiệp ở Yên Bái đáp ứng cho phát triển

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/4/2016 | 10:19:19 AM

YBĐT - Công nghiệp Yên Bái những năm qua liên tục có những bước phát triển vượt bậc, đồng thời đã và đang thoát khỏi những hạn chế khu vực, cơ chế quản lý và chính sách thu hút đầu tư.

Nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.
(Ảnh: Thanh Miền)
Nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. (Ảnh: Thanh Miền)

 Trong những năm gần đây hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp đã đến đầu tư vào các lĩnh vực từ công nghiệp khai khoáng, làm thuỷ điện, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng đến chế biến nông - lâm sản. Các doanh nghiệp địa phương có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hội nhập quốc tế, nâng cao và mở mang sản xuất.

Là một tỉnh miền núi lại nằm sâu trong nội địa, nhưng Yên Bái lại nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Không chỉ có vậy mà Yên Bái còn có khí hậu nhiệt đới ôn hoà, tài nguyên phong phú, đa dạng, cảnh quan thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, nguồn lao động chất lượng cao dồi dào.

Cơ sở hạ tầng ngày càng được tăng cường đầu tư, đáp ứng cho phát triển, trong đó tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào sử dụng đã rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Không chỉ đường bộ mà Yên Bái cũng rất thuận tiện về đường thủy, đường sắt với trung bình 30 chuyến tàu chạy qua Yên Bái mỗi ngày.

Ngoài ra, còn có một hệ thống sông, suối, ao hồ phong phú phục vụ cho giao thông đường thuỷ, nước sinh hoạt, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và là nguồn thuỷ năng vô cùng quý giá để xây dựng các nhà máy thuỷ điện. Tài nguyên rừng có trữ lượng giầu, phong phú về chủng loại, trên 200.000 ha rừng sản xuất, 23.000 ha rừng phòng hộ, 26.369 ha rừng đặc dụng.

Mỗi năm khai thác tiêu thụ 200.000 m3 gỗ, 200.000 tấn tre, vầu, nứa... bình quân hàng năm trồng mới trên 13.000 ha rừng. Tiềm năng về khoáng sản cũng như trữ lượng lớn, toàn tỉnh có 257 điểm mỏ và điểm quặng (than, đá quý, đất hiếm, kim loại và đa kim loại), chú ý hơn là vùng đá vôi trắng dùng làm khoáng chất công nghiệp và đá mỹ nghệ.

Song song với những lợi thế Yên Bái cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khá đặc thù cho phát triển nông - lâm nghiệp, chăn nuôi thuỷ sản và thu hút đầu tư trên địa bàn và có bước phát triển khá, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Yên Bái đã hình thành và xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là khai thác tiềm năng, đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng các cơ sở sản xuất công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; gắn sản xuất công nghiệp với vùng nguyên liệu tập trung, lao động và thị trường, góp phần phát triển bền vững. Tỉnh đã xây dựng được hệ thống các khu, cụm công nghiệp với quy mô hợp lý tại các vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp gắn với việc hình thành phát triển các đô thị, các khu dân cư và các vùng kinh tế trọng điểm.

Một cơ sở chế biến bột đá ở Khu công nghiệp phía Nam. 

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 24 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp nằm trong hệ thống khu công nghiệp quốc gia: Khu Công nghiệp phía Nam, Khu Công nghiệp Âu Lâu và Khu công nghiệp Minh Quân. Tất cả các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh từ hệ thống giao thông đến các công trình phụ trợ.

Chỉ tính riêng Khu Công nghiệp phía Nam là khu công nghiệp đa ngành, hiện đã có 16 nhà đầu tư và đang thực hiện 18 dự án với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, nhiều nhà máy, doanh nghiệp đã đi vào sản xuất hiệu quả và hài lòng với các cơ chế, chính sách, các dịch vụ phụ trợ. Tuy mới đầu tư đi vào sản xuất, nhưng bình quân giá trị sản xuất trong Khu Công nghiệp phía Nam đạt trên 1.600 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn chục ngàn lao động.

Nhiều doanh nghiệp, nhà máy sản xuất trong khu đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường như: Nhà máy Nghiền PeldsFar thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản PVG; Nhà máy Nghiền bột đá CaCO3 Công ty cổ phần Mông Sơn; Nhà máy Chế biến thức ăn Gia súc Việt Tín; Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát...

Hạ tầng phát triển cùng với biết khai thác tiềm năng, thế mạnh, luôn đồng hành cùng sự phát triển với các nhà đầu tư, con người thân thiện, mến khách; Yên Bái đã thực sự là một vùng đất lành và là nơi dừng chân của các nhà đầu tư.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, đã có 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư  với tổng vốn đăng ký gần 6.000 tỷ đồng; cấp giấy đăng ký cho 135 doanh nghiệp với tổng số vốn gần 1.300 tỷ đồng.

Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến làm ăn tại Yên Bái như: Công ty TNHH Daesung Hàn Quốc; Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ; Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản đầu tư dự án chế biến thỏ công nghệ cao; Tập đoàn Vingroup xây dựng Trung tâm Thương mại nhà phố; Công ty cổ phần Sân Golf Ngôi Sao xây dựng dự án sân golf quy mô 27 lỗ kết hợp với nghỉ dưỡng...

Thanh Phúc