Huyện Lục Yên triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/4/2016 | 10:08:09 AM

YBĐT - Nhằm giúp các xã, thôn đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, xã hội, những năm qua, huyện Lục Yên đã triển khai hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Dự án Giảm nghèo WB, Dự án Tổ chức Tầm nhìn thế giới…

Nhân dân xã Động Quan tích cực làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Động Quan tích cực làm đường giao thông nông thôn.

Để các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao, hàng năm, Ban chỉ đạo Giảm nghèo của huyện chủ động tham mưu kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên phụ trách các xã, nhằm tăng cường chỉ đạo với cơ sở thực hiện tốt kế hoạch giảm nghèo.

Qua đó, chỉ tính riêng năm 2015, kinh phí từ Chương trình 135 đầu tư trên địa bàn 4 tỷ 550 triệu đồng và thực hiện tại 10 xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 37 thôn ĐBKK thuộc xã vùng II với 54 dự án gồm: hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng 762 triệu đồng; hỗ trợ sản xuất 955 triệu đồng; hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa 570 triệu đồng gồm các cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, gia cầm và hỗ trợ sản xuất ngô vụ đông trên đất 2 vụ lúa; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, kinh phí 510 triệu đồng và chương trình tập huấn, chỉ đạo kiểm tra, giám sát 50 triệu đồng…

Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kinh phí thực hiện 840 triệu đồng, đã triển khai 8 dự án tại 4 xã gồm: nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Lâm Thương, Liễu Đô; trồng cam Vinh tại xã Tân Lĩnh; nuôi trâu nái tại xã Tân Lĩnh, Tô Mậu; nuôi bò nái tại xã Liễu Đô và hỗ trợ máy nông nghiệp tại xã Lâm Thượng.

Dự án của Tổ chức Tầm nhìn thế giới với kinh phí trên 422 triệu đồng, đã xây dựng mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI tại 5 xã, diện tích 12,5ha với 176 hộ; mô hình trồng ngô theo phương pháp hạn chế làm đất tại 3 xã với diện tích 7,3 ha gồm 102 hộ; mô hình trồng nấm sò tại xã Lâm Thượng với 5 hộ…

Dự án Giảm nghèo WB, thực hiện 26 tiểu dự án với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng gồm: nuôi gà, vịt có 10 tiểu dự án với 116 hộ và nuôi lợn, dê có 16 tiểu dự án với 168 hộ. Cùng với nguồn vốn của các chương trình, dự án, hàng năm, huyện còn trích nguồn ngân sách để hỗ trợ các mô hình cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trâu tập trung theo phương thức bán công nghiệp, kinh phí thực hiện trên 200 triệu đồng/năm.

Do thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, nên diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt hàng năm được duy trì ổn định diện tích trên 12.611 ha. Trong đó, cây lúa gieo trồng cả năm đạt 7.244 ha, năng suất trung bình đạt 53,7 tạ/ha/vụ, sản lượng thóc đạt 38.913 tấn; diện tích cây ngô đạt 5.367 ha, năng suất đạt 36,5 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt 19.603 tấn.

Cùng với các cây trồng chủ lực, nhiều diện tích cây nông nghiệp như rau đậu các loại được nhân dân đưa vào trồng với diện tích lớn: lạc 877 ha, sắn 1.536 ha, khoai lang 810 ha… Giá trị kinh tế sản xuất 3 vụ/ha đất canh tác của huyện đạt trung bình trên 100 triệu đồng/ha/năm. Các nguồn vốn hỗ trợ còn góp phần để chăn nuôi gia súc, gia cầm những năm gần đây có bước tăng trưởng khá.

Hàng năm, tổng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) đều đạt trên 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, đàn trâu hiện có 18.114 con, bò 825 con, lợn 101.955 con và gia cầm các loại 765.130 con. Sản lượng thịt hơi các loại hàng năm đưa ra thị trường tiêu thu đạt 5.560 tấn, mang lại nguồn thu nhập gần 300 tỷ đồng mỗi năm cho nhân dân.

Cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân thuộc hộ nghèo vùng ĐBKK còn được hưởng các chế độ, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tiền điện; trẻ em từ 3 đến 5 tuổi thuộc vùng khó khăn được hỗ trợ tiền ăn trưa, được cấp bù học phí; người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách bảo trợ xã hội…

Đánh giá công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện những năm gần đây cho thấy, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36,27% bằng, 9.012 hộ nghèo; năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16,66%, bằng 4.513 hộ nghèo.

Hiện nay, hệ thống đường giao thông đến các xã, thôn đi lại khá thuận lợi do được đầu tư nâng cấp và bê tông hóa theo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; nhiều công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp; hệ thống trường lớp học, cơ sở y tế, nhà văn hóa thôn, cũng được đầu tư, tạo điều kiện để con em vùng đặc biệt khó khăn được cắp sách đến trường... Đây là động lực quan trọng để kinh tế, xã hội của huyện Lục Yên tiếp tục phát triển những năm tiếp theo.

Thạch Phong