Giúp đồng bào Yên Bái ổn định cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/4/2016 | 3:47:39 PM

YBĐT - Xuất phát từ thực tế cuộc sống du canh, du cư là tập quán lạc hậu của một số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao, nhất là dân tộc Mông, Dao...

Nhân dân xã Đại Sơn (Văn Yên) tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Đại Sơn (Văn Yên) tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Với điều kiện sinh hoạt và sản xuất hết sức khó khăn dẫn đến năng suất lao động thấp, lối sống tạm bợ, tập quán này còn dẫn đến nạn phá rừng để lấy đất canh tác, làm suy thoái môi trường, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra trong mùa mưa bão. Hệ thống hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm còn thiếu thốn chưa đáp ứng nhu cầu gây khó khăn trong phát triển sản xuất và cuộc sống hàng ngày của người dân. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bất ổn xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị tại địa phương và cộng đồng dân cư.

Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2007 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số quyết định, trong đó có Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS đến năm 2015.

Trong giai đoạn 2009 - 2015, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt qui hoạch 65 điểm định canh, định cư xen ghép, 7 dự án định canh, định cư tập trung tại 7 huyện. Từ nguồn vốn được trung ương cấp, ngân sách tỉnh hỗ trợ và đóng góp của cộng đồng đã đầu tư xây dựng được 19 hạng mục công trình gồm: 7 công trình thuỷ lợi, 5 công trình đường giao thông, 4 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 2 công trình lớp học và nhà ở giáo viên và 1 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng. Di chuyển được 434 hộ đến địa điểm định canh, định cư mới với tổng kinh phí là 55 tỷ 919 triệu đồng.

Trong các dự án định canh, định cư tập trung, nổi bật là dự án bản Táng Khờ 1, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã được đầu tư với tổng kinh phí là trên 24 tỷ 325 triệu đồng; dự án thôn Khe Mạ xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên tổng vốn đầu tư 15 tỷ 876 triệu đồng.

Quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư đối với hộ đồng bào DTTS và miền núi tại tỉnh Yên Bái đã được người dân đồng tình ủng hộ. Trên thực tế, từ nguồn lực đầu tư mà chính sách mang lại đã hỗ trợ, giúp các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, nơi điều kiện sinh hoạt và đi lại hết sức khó khăn được chuyển về các điểm định canh, định cư giao thông đi lại thuận lợi, giúp cho đồng bào DTTS thuộc đối tượng được hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Việc đầu tư xây dựng các điểm định canh, định cư thuộc các dự án định canh, định cư tập trung cũng như các điểm định cư xen ghép không chỉ giúp các hộ dân thuộc diện thụ hưởng chính sách nhanh chóng ổn định cuộc sống, an tâm phát triển sản xuất, mà còn góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực.

Quá trình tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư đã tác động tích cực làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa về tập quán sinh hoạt, sản xuất từ du canh, du cư đến định canh, định cư. Đây được xem là tiền đề quan trọng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong vùng, củng cố vững chắc niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng; nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong giai đoạn tiếp theo.

Đăng Khoa